TTO – Thắc mắc của không ít người dân về việc TP.HCM sử dụng tiền thu từ phí cảng biển sẽ được sử dụng để cải tạo các con đường ra sao, khi nào thực hiện?
Trả lời vấn đề trên, ông Bùi Hòa An – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết kể từ khi chính thức vận hành thu phí hạ tầng cảng biển đến nay, số tiền thu được hơn 500 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này được nộp vào ngân sách TP để bắt đầu thực hiện cải tạo ngay các con đường vào cảng.
Ùn tắc hàng giờ
* Thưa ông, gần đây các tuyến đường vào khu vực cảng của TP đang ùn tắc trở lại?
– Thời gian qua sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP tăng mạnh, chiếm 23% sản lượng so với hàng hóa thông qua cảng biển cả nước. Cụ thể, năm 2021 sản lượng thông qua cảng biển TP đạt 164,5 triệu tấn, tăng 40,5% so với quy hoạch được duyệt chỉ 116 triệu tấn. So với quy hoạch đến năm 2030, sản lượng đã vượt 2,63%.
Hiện nay, các trục giao thông kết nối trực tiếp đến khu cảng Cát Lái và bến cảng Phú Hữu (TP Thủ Đức) là đường Nguyễn Thị Định, đường Nguyễn Duy Trinh. Kết nối vào các cảng Hiệp Phước là các trục đường Nguyễn Hữu Thọ. Còn tại khu cảng ICD Trường Thọ (TP Thủ Đức) kết nối bằng đường số 1 và 2 để ra xa lộ Hà Nội.
Do các khu cảng chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cùng với lượng hàng hóa tăng quá nhanh như hiện nay nên hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được. Chẳng hạn như ở ICD Trường Thọ, lưu lượng xe trên các tuyến đường quá đông, ùn tắc diễn ra thường xuyên, có thời điểm tắc cả tiếng đồng hồ. Do đó, cần thiết phải đầu tư hạ tầng giao thông vào cảng biển cả đường thủy và đường biển đồng bộ nhằm giải quyết tình trạng nêu trên.
* Dự kiến nhu cầu vốn cũng như việc thực hiện các dự án cải tạo đường được giải quyết ra sao?
– Thời gian qua, do kinh phí ngân sách hạn hẹp nên việc đầu tư các tuyến đường vào cảng hết sức hạn chế. Trên cơ sở danh mục các dự án cần sớm triển khai, tổng nhu cầu vốn từ nay đến năm 2025 cần tới 103.347 tỉ đồng. Và nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển sẽ bù đắp một phần so với tổng nhu cầu vốn để tập trung hoàn thiện các tuyến đường vào cảng biển.
Việc đầu tư đường vào cảng càng sớm càng tốt, bởi đó là sự hỗ trợ rất lớn và lâu dài cho các doanh nghiệp. Cụ thể hiện nay chi phí vận tải chiếm tới 65% chi phí logistics ở TP.HCM. Nếu chúng ta hoàn chỉnh nhanh quy hoạch trong thời gian tới, chi phí vận tải sẽ giảm sâu.
Theo tính toán, hiện nay một vòng quay trung bình từ nơi tập trung hàng hóa và đưa ra cảng làm thủ tục xuất nhập khẩu thì mất từ 36 – 48 tiếng, tùy địa bàn, tùy cự ly…
Chúng tôi hy vọng việc khơi thông đường vào cảng sẽ đưa vòng quay vận chuyển hàng hóa còn 12 tiếng. Việc giảm được 4 lần sẽ giảm được rất nhiều chi phí, từ đó tăng tính cạnh tranh đối với mặt hàng xuất nhập khẩu.
Làm đường từ tiền thu phí
* Sở Giao thông vận tải TP có đánh giá gì sau hai tháng vận hành thu phí vào các cảng biển?
– Sau thời gian thu từ 1-4, số tiền thu được trên 500 tỉ đồng, đúng với các đối tượng phải thu theo nghị quyết của HĐND TP. Về dữ liệu đường truyền, mặt thủ tục điện tử, hiện đều hoạt động thông suốt. Sau một thời gian vận hành, lượng khách hàng gọi đến tư vấn đang giảm rất nhiều. Điều đó cho thấy việc thực hiện thu phí cảng biển đã trở thành quen thuộc đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu.
* Số tiền thu được sẽ được ưu tiên làm con đường nào trước, thưa ông?
– Theo nghị quyết của HĐND TP, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của TP sẽ bố trí làm 12 dự án giao thông đường bộ và 36 dự án đường thủy với tổng đầu tư 93.818 tỉ đồng.
Trong đó, 4 dự án đầu tư công có tổng vốn hơn 6.322 tỉ đồng đang triển khai gồm: nút giao thông Mỹ Thủy, mở rộng đường Đồng Văn Cống đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy, hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ. Các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào khai thác.
Nhóm 8 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng mức 87.586 tỉ đồng gồm: xây dựng đường vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội và đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng; xây dựng hoàn thiện tuyến vành đai phía đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy, xây dựng cụm cảng trung chuyển ICD tại phường Long Bình (TP Thủ Đức)…
Với số tiền phí hạ tầng cảng biển thu được cùng với việc bố trí ngân sách, TP ưu tiên đầu tư với các dự án đường vào cảng đã có mặt bằng, đã có chủ trương đầu tư, đã có sự chuẩn bị. Đầu tiên là hoàn thiện tuyến vành đai phía đông (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy, TP Thủ Đức) với tổng mức đầu tư 1.200 tỉ đồng. Hiện các thủ tục cho dự án này đang được đẩy nhanh để hoàn thành vào cuối năm và khởi công năm 2023.
Việc đầu tư khép kín hai đoạn đường vành đai 2 cũng là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay TP đã bố trí vốn để nghiên cứu và dự kiến chủ trương đầu tư dự án sẽ được thông qua vào năm 2023. Cùng với đó, ngay trong năm nay, Sở Giao thông vận tải TP sẽ đề xuất TP trình HĐND TP đầu tư hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy giai đoạn tiếp theo.
Khi có nguồn thu phí cảng biển bổ sung vào ngân sách, lộ trình đầu tư xây dựng các công trình giao thông kết nối khu vực cảng biển sẽ được đẩy nhanh hơn. Sau 5 năm thu phí cảng biển cùng với sự đầu tư của TP, giao thông kết nối cảng biển sẽ cơ bản hoàn thành theo quy hoạch, nâng cao hiệu quả về vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.
Hiện trạng xe trên các tuyến đường trước khi cải tạo
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy thời gian gần đây, tình trạng ùn ứ giao thông xảy ra khi xe container ra vào một số cảng như cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ (TP Thủ Đức). Có lúc, hàng ngàn xe nối đuôi nhau nhích từng chút. Kẹt xe còn lan rộng đến tuyến xa lộ Hà Nội, nút giao An Phú hoặc vòng xoay Mỹ Thủy.
Trên đường Võ Chí Công và Nguyễn Thị Định (hướng dẫn vào cảng Cát Lái), nhiều xe container xếp hàng dài chờ vào cảng. Đặc biệt, tại đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy về cổng Tân cảng – Cát Lái, tình trạng tắc đường diễn ra như “cơm bữa”, nhiều xe container “nhích nhích” ngay cả khi đèn tín hiệu giao thông chuyển qua màu xanh, theo sau hàng loạt xe tải, ôtô đi về hướng phà Cát Lái.
Còn tại khu vực cảng Trường Thọ (TP Thủ Đức), tuy có giảm so với những tháng đầu năm 2022 nhưng tình trạng ùn tắc xe container cục bộ vẫn diễn ra thường xuyên. Có những ngày dòng xe container ùn ứ kéo dài từ cầu vượt Trạm 2 đến ngã tư RMK.
tuoitre