Tọa đàm về tiềm năng phát triển ngành logistics tại huyện Nhà Bè đã diễn ra thành công, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc định hình huyện này trở thành trung tâm logistics trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh.
Chiều ngày 31/12, UBND huyện Nhà Bè phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Tiềm năng và triển vọng phát triển ngành logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè”. Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cùng các cơ quan ban ngành liên quan.
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Tiềm năng và triển vọng phát triển ngành logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè” (Ảnh: Tổ truyền thông Cảng Sài Gòn)
Nhà Bè – Điểm đến hấp dẫn của logistics
Với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ phát triển, cùng với các dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai, huyện Nhà Bè được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển ngành logistics.
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện Nhà Bè nhấn mạnh vai trò quan trọng của logistics trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ông cho biết, khi các tuyến đường vành đai, trung tâm logistics và cảng quốc tế Cần Giờ hoàn thiện, Nhà Bè sẽ trở thành điểm tập trung hàng hóa lớn và trung tâm phân phối hàng hóa đến các khu vực lân cận.
Đồng chí Triệu Đỗ Hồng Phước, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện Nhà Bè phát biểu khai mạc buổi tọa đàm (Ảnh: Tổ truyền thông Cảng Sài Gòn)
Thực trạng và giải pháp
Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về thực trạng, tiềm năng và thách thức của ngành logistics tại Nhà Bè.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, kiêm Chủ tịch HĐQT Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, là đơn vị đang hoạt động trên địa bàn huyện Nhà Bè đã chia sẻ về tình hình ùn tắc giao thông tại khu công nghiệp Hiệp Phước và đề xuất giải pháp kết nối trực tiếp đường vành đai 3 với đường Nguyễn Hữu Thọ là giải pháp cần thiết để giảm tải và nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa. Nâng cấp tuyến đường Nguyễn Bình và kết nối với đường Chánh Hưng – Phạm Hùng vào Nguyễn Văn Linh cũng là giải pháp hiệu quả, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa ra vào KCN Hiệp Phước, giảm chi phí logistics và tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong KCN. Với quan niệm “ Lộ thông thì Tài thông” Khi mạng lưới giao thông thông suốt sẽ xóa bỏ rào cản về địa lý, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tăng cường giao thương giữa khu Nam Sài Gòn với trung tâm Thành phố và các vùng lân cận.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, kiêm Chủ tịch HĐQT Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước trình bày tham luận. (Ảnh: Tổ truyền thông Cảng Sài Gòn)
Theo ông Tâm, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành logistics tại Nhà Bè một cách bền vững, bao gồm:
- Nâng cấp hạ tầng giao thông:Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm, xây dựng các công trình giao thông hỗ trợ để giảm ùn tắc.
- Phát triển hệ thống kho bãi:Khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, tích hợp nhiều dịch vụ.
- Phát triển dịch vụ logistics:Hỗ trợ các doanh nghiệp logistics trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng.
- Xây dựng hệ sinh thái logistics:Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp logistics, cảng biển, khu công nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ liên kết chặt chẽ.
- Phát triển logistics xanh:Khuyến khích các doanh nghiệp logistics sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm đồng tình, buổi tọa đàm đã khẳng định quyết tâm của huyện Nhà Bè trong việc xây dựng một trung tâm logistics hiện đại. Các chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị liên quan đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quý báu, cùng với đó là những giải pháp cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này. Với sự đồng lòng và quyết tâm cao của các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp…. Ông khẳng định “Tôi tin rằng huyện Nhà Bè hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm logistics quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài viết: Chương Phạm CSG