Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh nằm trong khu vực Đông Nam bộ thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách tuyến hàng hải quốc tế chỉ có 20 hải lý, có thế mạnh về kinh tế biển, du lịch, khai thác lọc hóa dầu và phát triển công nghiệp.
Các tàu container đậu trên sông Thị Vải Ảnh: Nguyễn Long |
Đầu tư đồng bộ hệ thống đường bộ
Bà Rịa-Vũng Tàu đã từng bước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và trở thành một địa phương có hạ tầng giao thông phát triển trong cả nước. Sau hơn 30 năm đầu tư phát triển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đầu tư đồng bộ hệ thống đường bộ của tỉnh. Các tuyến trục ngang dọc trải đều trên toàn địa bàn của tỉnh khơi dậy những tiềm năng kinh tế, hình thành các khu đô thị mới.
Phát triển hạ tầng cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng đã mở ra hướng đi mới cho ngành cảng biển của Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập. Dòng vốn đầu tư cảng và nhiều loại hình sản xuất công nghiệp cũng được tăng tốc đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu để tận dụng lợi thế cảng.
Theo quy hoạch cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam có 5 nhóm cảng biển. Trong đó hệ thống cảng Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc nhóm cảng biển số 4, là cụm cảng đặc biệt, đảm nhận vai trò là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, cho tàu có trọng tải đến 250.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện ra vào.
Toàn bộ hệ thống cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 8 cảng container đang hoạt động. Đây là một trong những cụm cảng container nước sâu được đầu tư với quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, có khả năng tiếp nhận những tàu container lớn nhất thế giới và là cụm cảng duy nhất ở miền Nam Việt Nam có những chuyến tàu đi thẳng đến Châu Mỹ, Châu Âu.
Trong các năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã luôn đồng hành cùng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối cũng như triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển tại địa phương này.
Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 trong đó có kế hoạch đầu tư kết nối các phương thức vận tải và kết nối mạng lưới giao thông giữa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh trong vùng, nâng cao chất lượng vận tải, giảm chi phí logistics, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Trọng tâm thực hiện của Bộ Giao thông vận tải trong thời gian tới là phối hợp với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tư hoàn thiện các tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, vành đai 4 TP.HCM, cầu Phước An với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, đầu tư các đoạn cuối tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với 2 TP.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu.
Về tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, Bộ Giao thông vận tải đã bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư dự án và xây dựng kế hoạch lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Chính phủ và Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư.
Như vậy, có thể nói trong tương lai gần, hệ thống cảng biển, khu công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ được kết nối với khu vực và quốc tế qua các phương thức vận tải đa dạng: đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và cả đường sắt.
Bộ Giao thông vận tải đồng hành cùng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết để tăng cường sức mạnh liên kết hạ tầng giao thông vận tải phía Nam nói chung và lợi thế về cảng biển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, bộ sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, trong đó có quy hoạch chi tiết cảng biển Nhóm 4 và quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu để cụ thể hóa chức năng, công năng cảng. Từ đó xây dựng kế hoạch triển khai, kêu gọi đầu tư phù hợp, phát triển cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu đúng với tính chất cảng đặc biệt quốc gia, trung chuyển quốc tế.
Bộ Giao thông vận tải sẽ tăng cường điều phối, phối hợp với các địa phương trong vùng trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt đối với các tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; đường vành đai 4 TP.Hhồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong giai đoạn 2021 – 2025; tuyến giao thông kết nối cầu Phước An với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành cũng như tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.
Tập trung nguồn lực thực hiện nạo vét chỉnh trị, nâng cấp tuyến luồng Vũng Tàu – Thị Vải theo quy hoạch được duyệt nhằm tiếp nhận các tàu có tải trọng 250.000DWT ra vào thuận lợi, an toàn.
Bộ Giao thông vận tải sẽ đồng hành cùng với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và các cảng cạn, các khu vực vụ hậu cần cảng tại TX. Phú Mỹ. Đây là những nhiệm vụ quan trọng để hình thành hệ sinh thái các dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực khai thác hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải sẽ chủ động phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về cảng biển, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển.
thanhnien