Quy hoạch hệ thống cảng biển thời kỳ mới xác định không mở rộng quy mô một số khu bến để phục vụ di dời và bảo tồn thiên nhiên.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Bộ GTVT vừa công bố định hướng không phát triển mở rộng một số khu bến cảng, phục vụ quy hoạch của địa phương và bảo tồn di sản thiên nhiên.
Hầu hết các bến trong diện không phát triển mở rộng hoặc di dời đang tiếp nhận các tàu cỡ nhỏ và trung bình,
phục vụ phát triển KT-XH của địa phương, vùng phụ cận – Ảnh minh họa
Cụ thể, khu bến sông Cấm – Phà Rừng (Hải Phòng) được định hướng không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng các bến cảng hiện hữu từ khu vực cầu Bạch Đằng đến hạ lưu cảng Vật Cách với lộ trình phù hợp quy hoạch phát triển TP.Hải Phòng.
Khu bến trên sông Sài Gòn sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TP.HCM.
Tại khu bến Cái Lân (Quảng Ninh), bến cảng xăng dầu B12 không phát triển mở rộng và được xây dựng kế hoạch di dời phù hợp với quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, bảo đảm yêu cầu về phòng chống cháy nổ và các quy định khác liên quan đến khu bảo tồn vịnh Hạ Long.
Cùng đó, bến cảng các nhà máy xi măng, nhiệt điện sẽ giữ nguyên quy mô hiện trạng, di dời hoặc chuyển đổi công năng cùng với lộ trình di dời các nhà máy xi măng, nhiệt điện tại khu vực.
Tại cảng biển Cần Thơ, khu bến Hoàng Diệu cũng được xác định không phát triển mở rộng, chỉ đầu tư chiều sâu bến hiện có.
Được biết, trong quá trình khai thác, khu bến sông Cấm – Phà Rừng được quy hoạch tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 tấn, khu bến sông Sài Gòn tiếp nhận tàu đến 30.000 tấn hoặc lớn hơn, phù hợp với điều kiện luồng hành hải và tĩnh không công trình vượt sông.
Đối với khu bến Hoàng Diệu, cỡ tàu quy hoạch tiếp nhận đến 20.000 tấn. Các bến cảng không mở rộng hoặc thuộc diện di dời tại khu bến Cái Lân sẽ tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời đến 50.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 40.000 tấn.
Nguồn: Báo Giao thông