Các hãng tàu nước ngoài đã cung cấp thêm hàng triệu TEU container phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam lưu thông trong đại dịch.
Cục Hàng hải VN cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, song, việc đặt chỗ trên tàu để xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân do tình trạng kẹt cảng tại Mỹ và châu Âu kéo dài, thời gian tàu nằm chờ làm hàng gia tăng dẫn tới thị trường vận tải biển khan cả tàu lẫn container.
Nỗi lo thiếu container xuất hàng của doanh nghiệp Việt Nam dần được tháo gỡ khi các hãng tàu tăng cường bổ sung container và tình trạng kẹt cảng trên thế giới đang được giải quyết với nhiêu tín hiệu tích cực – Ảnh minh họa
Theo Cục Hàng hải, trước bối cảnh trên, các hãng tàu đã tăng cường bổ sung lượng container cho thị trường hàng hóa XNK Việt Nam.
Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, hãng tàu CMA-CGM đã tăng cỡ tàu từ 9.000 TEUs đến 15.000 TEUs cho tuyến đi Châu Mỹ, bổ sung 36.000 container về Việt Nam; Hãng tàu Maersk bổ sung 215.000 TEUs, đưa tuyến vận tải mới vào Cái Mép đi bờ Đông nước Mỹ và bổ sung thêm tuyến từ TP.HCM đi thị trường Tây Phi; Hãng tàu Evergreen, năm 2020 là 38.500 TEUs, năm 2021 là 21.000 TEUs; Hãng tàu Hapag – Lloyd từ năm 2020 đến nay là trên 100.000 TEUs; Hãng tàu Yangming bổ sung lượng container khoảng 97.000 TEUs…
Trao đổi với Báo Giao thông, một chủ hàng tại TP.HCM cho biết, tình trạng tăng giá cước container và thiếu container rỗng đi Mỹ, châu Âu bắt đầu từ cuối năm 2020 đến tháng 7, tháng 8/2021 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Song, từ tháng 10/2021 trở lại đây, tình trạng kẹt cảng tại Mỹ được cải thiện, tốc độ quay vòng tàu, nguồn container rỗng và việc đặt chỗ xuất hàng có dấu hiệu khả quan hơn.
Nếu cao điểm tháng 7/2021, giá cước áp dụng với mỗi container 40 feet đi các cảng Los Angeles và Long Beach (Mỹ) khoảng 18.000 USD thì hiện, giá cước giảm xuống còn 12.000 – 13.000 USD/container.
Nguồn: