Hiện toàn quốc có 12 cảng thủy hành khách, đến năm 2030 được quy hoạch tăng lên 27 cụm cảng, phần lớn tại các trung tâm đô thị.
Ngày 9/6, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo đề xuất tại dự thảo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong 10 năm tới toàn quốc có 27 cụm cảng thủy hành khách lớn được quy hoạch phân bổ theo các khu vực Bắc – Trung – Nam, với tổng công suất khoảng 36 triệu khách/năm.
Vị trí quy hoạch các cụm cảng khách chính chủ yếu tại các trung tâm đô thị, tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng, thuận lợi vận tải khách thủy và khu vực có tiềm năng du lịch biển đảo, vịnh, đầm, sông nước .
Theo đó, khu vực phía Bắc có 9 cụm cảng, với tổng công suất khoảng hơn 5,85 triệu khách/năm, gồm: cụm cảng khách tại Hà Nội (Hà Nội, Sơn Tây, Bát Tràng…), tại Hải Phòng (Cát Hải, Cát Bà, Hòn Dấu…), tại Quảng Ninh (Tuần Châu, Bãi Cháy, Cẩm Phả, Cái Rồng…) và các cụm cảm tại tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định (chuyển đổi từ cảng Nam Định hiện hữu), Ninh Bình và các cảng khách trên hồ Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Hồ Thác Bà, Tuyên Quang.
Khu vực miền Trung có 5 cụm cảng, với tổng công suất khoảng 1,45 triệu khách/năm, gồm: cụm cảng Hàm Rồng, Bến Thuỷ, Tòa Khâm, sông Hàn, Quảng Nam (Cửa Đại – Cù Lao Chàm).
Nhiều nhất là tại miền Nam với 13 cụm cảng, với tổng công suất khoảng 29 triệu khách/năm, gồm: cụm cảng khách TP.HCM, Cầu Đá, Đồng Tháp (Cao Lãnh, Hà Tiên), Rạch Giá, Cà Mau (Cà Mau, Năm Căn, Ông Đốc), Mỹ Tho, An Giang (Long Xuyên, Châu Đốc), Tân An, Trà Vinh, Vĩnh Long và cụm cảng khách Bến Tre.
Đề xuất quy hoạch cũng định hướng nguồn vốn đầu tư các cụm cảng theo từ nguồn vốn xã hội hóa, đầu tư hợp tác đối tác công – tư. Theo Cục Đường thủy nội địa VN, hiện toàn quốc có 12 cảng hành khách, phần lớn các cảng phục vụ khách du lịch.
Nguồn: baogiaothong