Ngày 22 tháng 3 năm 2021 vừa qua, cảng Hiệp Phước thuộc Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn) đã tiếp nhận tàu hàng POOLGRACHT, quốc tịch Hà Lan, mang theo 10 bộ cánh (gồm 30 chiếc cánh) thiết bị điện gió cập vào cầu cảng số 2 SG-HP tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là chuyến tàu đầu tiên nhập các bộ cánh quạt điện gió của Dự án nhà máy Điện gió Hàn Quốc – Trà Vinh 1 tại vị trí V1-1.
Tàu POOLGRACHT thuộc Spliethoff Group – một trong những Tập đoàn hãng tàu lớn nhất ở Hà Lan – cập cầu cảng số 2 khu cảng Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước
Mỗi cánh quạt này có kích thước 74m x 4,1m x 2,825m thuộc loại hàng hóa siêu trường, dễ bị tổn hại, đòi hỏi kỹ thuật xếp dỡ, vận chuyển, bảo quản ở trình độ cao và kinh nghiệm khai thác cảng dầy dạn. Cảng Hiệp Phước đã tập hợp một đội ngũ lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân xếp dỡ lành nghề, áp dụng quy trình công nghệ xếp dỡ đúng bài bản, đảm bảo an toàn 100% cho hàng hóa cũng như toàn bộ quá trình sản xuất. Trong đó phải kể đến kỹ thuật “đấu cẩu” (dùng hai cần cẩu để nâng hạ một kiện hàng) để xếp dỡ hàng siêu trường này là một trong những điểm mạnh sở trường nổi tiếng của cảng Sài Gòn trong nghề khai thác cảng biển từ lâu nay.
Cánh quạt dài 74m đang được hạ xuống bằng phương pháp “đấu cẩu”
Đây là chuyến tàu đầu tiên mà cảng Hiệp Phước tiếp nhận, khai thác để phục vụ cho các dự án, nhà máy điện gió ở khu vực phía Nam. Dự kiến, vào khoảng trung tuần tháng 7 tới, những con tàu tương tự sẽ tiếp nối nhau cập cảng và bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hiệp Phước. Đó là tàu chở 30 bộ cánh quạt của Dự án Nhà máy điện gió V1-2, tàu chở 30 bộ cánh quạt của Dự án Nhà máy điện gió V1-3 tại vị trí V1-3 và tàu chở 26 bộ cánh quạt của Nhà máy điện gió Bạc Liêu.
Định vị cánh quạt lên tổ hợp xe ô tô rơ-mooc siêu trường
Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước gồm có 03 cầu tàu với tổng chiều dài là 800m, độ sâu trước bến đạt – 9m, tiếp nhận được cỡ tàu đến 50.000DWT, tổng diện tích khu cảng này rộng đến 37 hec-ta. Luồng vào khu cảng 61km, cầu cảng chỉ cách cửa sông Vàm Cỏ hơn 15km, nơi bắt đầu tuyến đường thủy nội địa huyết mạch đi về các tỉnh Miền Tây – Đồng bằng sông Cửu Long./.
Nguồn: Tổng Công Ty Hàng hải Việt Nam.