Phát biểu tại buổi làm việc với TCT Hàng hải VN (VIMC) chiều nay (9/2), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định lĩnh vực hàng hải còn nhiều dư địa để phát triển.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ mà VIMC đang đề xuất đầu tư xây dựng.
Đề nghị VIMC tiến hành sớm các quy trình thủ tục, Bộ trưởng nhấn mạnh: VIMC phải làm việc với hãng tàu MSC, khẩn trương thực hiện các thủ tục, làm nhanh nhất có thể để sớm hiện thực hóa cảng Cần Giờ”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị VIMC làm việc với hãng tàu sớm đẩy nhanh các thủ tục cho Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ
Trước đó báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam cũng như cập nhật nội dung điều chỉnh quy hoạch khu bến cảng Cần Giờ trong Quy hoạch các nhóm cảng biển và trong Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lãnh đạo VIMC cũng đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ để Tổng công ty và Cảng Sài Gòn được làm chủ đầu tư dự án này.
Theo ông Tuấn, Dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ có tổng mức đầu tư sơ bộ (7 giai đoạn) là hơn 112.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 18.276 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 15.416 tỷ đồng. Đến năm 2030, sẽ đầu tư giai đoạn 1 và 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 33.692 tỷ đồng (1,39 tỷ USD).
“Dự án dự kiến sử dụng 70% vốn vay và 30% vốn tự có với mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ trở thành cảng trung chuyển quốc tế”, ông Tuấn thông tin và cho biết thêm, dự án có quy mô tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT và tàu feeder trọng tải từ 10.000 – 65.000 DWT với tổng chiều dài bến cầu chính khoảng 7,2km.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải VN Phạm Anh Tuấn, dự án Cảng Cần Giờ có tổng mức đầu tư sơ bộ (7 giai đoạn) là hơn 112.000 tỷ đồng
Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án là khoảng 570 ha trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) khoảng từ 35 ha – 70 ha, diện tích mặt nước khoảng 500 ha. Công suất thiết kế lên đến 18 triệu Teu/năm hàng container. Thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2040.
Lãnh đạo VIMC cũng cho biết, Tổng công ty và Cảng Sài Gòn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để trình Bộ KH&ĐT hồ sơ Đề xuất đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.
Phối cảnh dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh. Portcoast
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Dự án cũng nằm trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023.
baogiaothong