Với nhu cầu đang tăng lên của các tàu hàng rời chở than, gạo trong khu vực, việc Cảng Sài Gòn lắp đặt thêm 2 cặp phao mới thể hiện sự quyết tâm cao của Ban lãnh đạo cảng tăng thêm khả năng phục vụ cho khách hàng. Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (gọi tắt là Cảng Sài Gòn) vừa đầu tư đưa vào khai thác 02 bến phao TL2 và TL4 trên sông Ngã Bảy (tại Thiềng Liềng).
Tính đến nay, Cảng Sài Gòn đang quản lý và khai thác 17 bến phao trên các sông Sài Gòn, Nhà Bè, Đồng Nai, Soài Rạp và Ngã Bảy. Trên sông Sài Gòn có 09 bến, quy mô tiếp nhận tàu từ 15.000 ÷ 30.000 DWT. Trên sông Nhà Bè có 05 bến, trong đó 02 bến tiếp nhận tàu 30.000 DWT và 03 bến tiếp nhận tàu 40.000 DWT. Trên sông Soài Rạp có 02 bến, quy mô tiếp nhận tàu 30.000 DWT. Trên sông Ngã Bảy (tại Thiềng Liềng), để tàu neo đậu chờ đợi vào cảng; bốc xếp hàng sang mạn, chuyển tải đối với các tàu có tải trọng lớn hạ tải để vào các bến cảng của Cảng Sài Gòn khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và chuyển tải hàng hóa trực tiếp cho tàu đi đến các khu vực lân cận, hiện có 01 bến- phao TL6/8- chủ yếu là hàng tổng hợp dạng bao (gạo, phân bón, thức ăn gia súc), hàng kiện (bách hóa, tổng hợp); hàng rời (than, phân bón, clinker, vật liệu xây dựng…), dạng bó cuộn (sắt thép).
Căn cứ đặc điểm tự nhiên khu vực sông Ngã Bảy có bề rộng 600m ÷ 1000m, độ sâu trung bình từ -14m ÷ -15m (hệ Hải đồ) và từ -10m ÷ -14m tính từ biên luồng hàng hải về phía bờ 150m. Vị trí này rất thuận lợi cho tàu trọng tải đến 60.000 ÷ 80.000DWT neo đậu và thực hiện chuyển tải hàng hóa. Căn cứ thực tế chuyển tải khai thác tại bến phao TL6/8 và TL9 trên sông Ngã Bảy, các đội tàu vận tải hiện đang được phân chia làm hai đội, cụ thể:
– Đội tàu thực hiện neo chờ hoặc giảm tải một phần hàng hóa để đủ điều kiện vào làm hàng tại các bến cảng thượng lưu, trên sông Sài Gòn, có trọng tải đến 45.000DWT, mớn nước khai thác -10,5m ÷ -11,0m.
– Đội tàu thực hiện chuyển tải trực tiếp đi các khu vực khác thường có trọng tải từ 50.000DWT ÷ 60.000DWT với một số tàu 60.000 ÷ 80.000DWT, các tàu này có mớn nước thiết kế từ -12m ÷ -14m và mớn nước thực tế đến bến là -12,3m ÷ -12,6m. Đội tàu này chuyển tải hàng hóa về các cảng khu vực miền Tây Nam Bộ, tại các khu vực này chỉ mới đáp ứng được điều kiện khai thác cho tàu trọng tải đến 10.000DWT do các đặc điểm tự nhiên và hiện trạng cơ sở hạ tầng luồng hàng hải.
Từ các phân tích trên, các bến phao TL2 và TL4 dự kiến sẽ dành tiếp nhận tàu hàng rời có trọng tải đến 80.000DWT giảm tải phù hợp, và tàu chuyển tải cỡ 10.000DWT neo đậu nhận hàng tại bến phao.
Khi chủ trương đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 của Thành phố, nối từ quận 7 sang quận 2, với tĩnh không 10m thành hiện thực. Việc di dời, chuyển đổi công năng theo điều chỉnh quy hoạch thì các bến cảng trên sông Sài Gòn và 06 bến phao trên sông Sài Gòn (B1, B5, B7, B9, B19 và B21 của Cảng Sài Gòn) sẽ phải dừng khai thác.
Như vậy, việc Cảng Sài Gòn đầu tư xây dựng và khai thác thêm hai bến phao tại Thiềng Liềng là giải pháp hiệu quả và phù hợp với tiến trình di dời các bến phao trên sông Sài Gòn theo chủ trương của nhà nước, đồng thời góp phần phục vụ hàng hóa thông qua trong khu vực, chia sẻ năng lực khai thác của các bến cứng giảm tắc nghẽn trên bộ, ổn định sản lượng bốc xếp hàng hóa của Cảng Sài Gòn, giúp giảm chi phí vận tải, đem lại thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.
Tác gia: Lê Vương Đoan Tú – Ảnh: Diệp Bảo Khánh