Vào chiều ngày 22/03/2024, tại Trung tâm Hội nghị Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã diễn ra Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp Hàng hải và Đường thủy nội địa do Bộ GTVT tổ chức.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Thắng- Bộ Trưởng Bộ GTVT (chủ trì), ông Nguyễn Xuân Sang- Thứ trưởng Bộ GTVT (điều phối); ông Trần Bảo Ngọc- Vụ trưởng Vụ Vận tải; ông Lê Đỗ Mười- Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, ông Nguyễn Đình Việt- Phó Cục Trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; Ông Bùi Thiên Thu- Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa và hơn 180 doanh nghiệp hàng hải, đường thủy nội địa, các hãng tàu, doanh nghiệp vận tải, các hiệp hội chủ tàu, logistics…tham dự.
Thay mặt Bộ GTVT báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Bảo Ngọc- Vụ trưởng Vụ Vận tải trình bày một số vấn đề của ngành hàng hàng hải và đường thuỷ nội địa Việt Nam. Ông Ngọc cho biết, tuy đội tàu Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây, đang đảm nhận 100% sản lượng nội địa và từ 6 – 8% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng cơ cấu vẫn chưa hợp lý, tàu tổng hợp chiếm tỉ lệ cao, trọng tải tàu nhỏ. Đối với đường thủy nội địa, hiện cả nước có 202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, 4.791 bến thủy nội địa có phép, 1.271 bến không phép và 2.526 bến khách ngang sông. Năm 2023, tuyến vận tải ven biển có lưu lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng thủy nội địa, cảng biển ước khoảng 225 triệu tấn.
Xu thế phát triển ngành hàng hải và đường thủy nội địa hiện nay là công nghệ số, cảng xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm khí thải và sử dụng tàu trọng tải lớn. Đây là những thách thức lớn đối với các chủ tàu, chủ cảng. Doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phát triển để thích ứng kịp thời, nếu không sẽ bị tụt hậu so với thế giới. Từ thực tế đó, ông Ngọc cho rằng, ngành hàng hải cần tập trung vào nhiều nhiệm vụ như: rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Hàng hải năm 2015; đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch nhóm, quy hoạch cảng cạn và triển khai thực hiện quy hoạch hiệu quả; triển khai đề án phát triển đội tàu biển; đảm bảo tiến độ các dự án nạo vét, duy tu tuyến luồng.
Hội nghị cũng đã lắng nghe một số doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa trình bày. Đầu tiên, đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn trình bày báo cáo thu hút đầu tư vào cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và phát triển cảng trung chuyển quốc tế theo mô hình cảng xanh. Trong đó, ông Tâm nêu những điều kiện cần và đủ để có cảng trung chuyển đầu tiên tại Việt Nam và đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT bổ sung quy hoạch khu cảng, thiết lập cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư, đề xuất cải tạo mở rộng hệ thống sông ngòi, có cơ chế phát triển giao thông thủy nội địa.
Hội nghị cũng đã lắng nghe một số câu hỏi, ý kiến của các công ty như Công ty CP Giang Nam Logistics, Hãng tàu Wanhai, Hiệp hội Visaba, Cảng Nghệ Tĩnh, Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT)… Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị các cục chuyên môn của Bộ GTVT có câu trả lời ngay những kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị.
Thông qua hội nghị này, Bộ Trưởng Bộ GTVT bày tỏ: “Trong bối cảnh trên, để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, chúng ta cần cùng nhau giải quyết những khó khăn với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả. Bộ GTVT thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa”.
Lê Vương Đoan Tú