Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến các sở, ngành liên quan về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP), đồng thời lấy ý kiến với đề nghị bổ sung chức năng Cảng du lịch quốc tế tại cảng Nhà Rồng-Khánh Hội (Quận 4).
Thiết kế tĩnh không thông thuyền của cây cầu cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quyết định diện mạo mới của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội vốn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế của thành phố hơn 300 năm tuổi.
Băn khoăn về thiết kế cầu
Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cầu Thủ Thiêm 4 là một trong 11 dự án hạ tầng giao thông quan trọng sẽ được Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên đầu tư xây dựng trong thời gian sớm nhất. Theo thiết kế, cầu dài hơn 2 km, tĩnh không thông thuyền BxH=80×10 (m), quy mô 6 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 5.000 tỷ đồng theo hình thức PPP (đối tác công tư). Vị trí cầu bắt đầu từ đường Nguyễn Cơ Thạch (thành phố Thủ Đức) bắc qua sông Sài Gòn, nối vào đường Lưu Trọng Lư (Quận 7).
Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, khi cầu Thủ Thiêm 4 đi vào hoạt động sẽ tạo thêm đường kết nối giữa thành phố Thủ Đức qua Quận 7, giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông hiện nay ở đường Huỳnh Tấn Phát-Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, cầu Kênh Tẻ, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế Khu đô thị mới phía nam cũng như Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không thông thuyền 80×10 (m), khi thi công và đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cảng hiện hữu trên sông Sài Gòn, đặc biệt là cảng Tân Thuận (Quận 7) và cảng Nhà Rồng-Khánh Hội (Quận 4). Hiện cảng Tân Thuận có tổng chiều dài 783 m gồm bốn cầu cảng chính tiếp nhận tàu biển và một bến sà-lan; cụ thể, là cầu cảng K12 dài 188 m, K12A dài 132 m, K12B dài 204 m, K12C dài 189 m, bến sà-lan K12C1 dài 70 m.
Khi cầu Thủ Thiêm 4 hoàn thành, các cầu cảng K12, K12A, K12C sẽ buộc phải dừng khai thác tiếp nhận tàu biển. Do yêu cầu hành lang an toàn rộng 150 m của cầu Thủ Thiêm 4, về cơ bản cầu cảng K12B chỉ còn khai thác được phần hạ lưu có chiều dài bến khoảng hơn 50 m. Còn đối với cảng Nhà Rồng-Khánh Hội có chiều dài cầu cảng 1,8 km, sẽ phải dừng toàn bộ hoạt động của tàu, thuyền du lịch nội địa cũng như quốc tế cập bến khu vực này.
Nhiều ý kiến đề xuất nên thiết kế độ cao tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 như cầu Phú Mỹ (45 m) để bảo đảm duy trì được hoạt động khai thác, tiếp nhận tàu của các bến cảng hiện hữu. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu thực hiện theo phương án này, tổng mức đầu tư cho dự án cầu Thủ Thiêm 4 rất cao.
Do vậy, thành phố sẽ di dời 11 bến cảng, cầu cảng cho tàu có trọng tải 20.000 đến 30.000 tấn hoạt động ra cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), chuyển đổi công năng, chuyển đổi một phần cảng Nhà Rồng-Khánh Hội làm cảng nội địa và trung tâm dịch vụ hàng hải; khai thác khu cảng Tân Thuận hiện hữu như là bến ICD để chuyển tải hàng hóa ra khu cảng Hiệp Phước với sà-lan vận tải có tĩnh không nhỏ hơn 10 m.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc cảng Sài Gòn, không nhất thiết phải xây dựng độ cao tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 như cầu Phú Mỹ nhưng có thể chọn phương án làm cầu xoay, cầu mở như cầu Rồng của Đà Nẵng để khu cảng Nhà Rồng-Khánh Hội có thể tiếp cận được các loại tàu khách quốc tế lớn.
Bởi đây là khu cảng có vị trí ngay trung tâm thành phố, có khả năng tiếp nhận tàu khách quốc tế là một lợi thế rất lớn cho phát triển du lịch mà không phải đô thị lớn nào trên thế giới cũng có được. Nếu xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 chỉ với độ cao tĩnh không 10 m, không có tàu lớn nào cập bến được, vô hình trung làm mất đi những lợi thế to lớn về sông nước của Thành phố Hồ Chí Minh, làm mất đi công năng khi chúng ta xây dựng độ cao tĩnh không của cầu Phú Mỹ, hầm chui vượt Thủ Thiêm.
Lợi thế lớn để phát triển kinh tế ven sông
Theo ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn, việc xây cầu, làm đường phải tính toán tới các yếu tố bảo vệ cảnh quan môi trường, gìn giữ được không gian văn hóa, bảo tồn được các giá trị lịch sử của cha ông để lại. Việc xây cầu Thủ Thiêm 4 phải tính toán để khu vực cảng Nhà Rồng-Khánh Hội không thành khúc sông chết. Với độ cao tĩnh không chỉ 10 m thì sẽ không có thuyền ra, thuyền vào tại khu vực này, dẫn tới hiện tượng có sông mà không có đò, không có bến. Qua một thời gian, chắc chắn dòng sông sẽ bị bồi lắng, ô nhiễm.
Sông Sài Gòn, cảng Nhà Rồng-Khánh Hội chứa đựng cả một không gian văn hóa, cùng những giá trị lịch sử quý báu của bến cảng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, một bến cảng hàng trăm năm tuổi. Khi người Pháp quy hoạch thành phố, mọi đầu đường đều hướng về sông. Sông là cửa ngõ thông gió, là “máy điều hòa” của cả thành phố. Đâu phải thành phố nào cũng có được lợi thế về vị trí như vậy.
Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển phải là thành phố quốc tế, phải có tàu quốc tế cập bến. Không gian của cảng Sài Gòn phải là không gian mở, phải tái tạo cảnh trên bến dưới thuyền, kết hợp hài hòa giữa các giá trị lịch sử và hiện đại. Du khách quốc tế đến thành phố sẽ có nơi mua sắm, nghỉ ngơi ngay trên bờ. Người dân thành phố cũng có thể tiếp cận và thừa hưởng không gian của bến cảng này.
Ở góc độ kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước. Với 1.800 m2 tàu cảng, nên dành ít nhất 1.500 m2 để làm bến tàu. Ở trên bờ, xây dựng khu vực này thành nơi khai thác kinh tế đêm với công viên, các dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí…
Về lâu dài, thành phố nên sáp nhập Quận 4 vào Quận 1, mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, tạo điểm nhấn kết nối một dải ven sông từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến Tân Thuận (Quận 7), kéo trung tâm thành phố hướng ra bờ sông để tạo điểm nhấn.
Để thực hiện được điều này, cầu Thủ Thiêm 4 nên thiết kế cầu tàu mở như cầu Rồng của Đà Nẵng. Cầu chỉ mở ra để đón tàu ở những thời điểm nhất định. Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng cho rằng, nếu chỉ vì nguyên nhân thay đổi thiết kế cầu sẽ làm tăng chi phí để giữ nguyên thiết kế hiện tại thì Thành phố Hồ Chí Minh đã làm mất đi lợi thế của một khu vực đẹp nhất để làm kinh tế ven sông, kinh tế đêm.
Tương tự, theo nhà nghiên cứu Phúc Tiến, cảng Sài Gòn đang được di dời ra ngoài trung tâm thành phố, tiếp cận sát hơn với biển. Để làm giàu về cả kinh tế và văn hóa cho thành phố, chốn xưa của thương cảng Sài Gòn cần được gìn giữ cảnh quan và kiến tạo phù hợp với mục tiêu bảo tồn và tiến hành kinh tế di sản.
Khu vực bến Bạch Đằng, hiện tại đã trở thành công viên, rất cần bổ sung các bảng lưu niệm, tượng đài ghi dấu lịch sử nơi đầu tiên người Việt đặt chân lên Bến Nghé và nhiều thời điểm tạo dựng thành phố từ thế kỷ 17 đến nay. Tại đây, ngoài các bến tàu đi Vũng Tàu và Cần Giờ và bến Water bus nên có thêm bến du thuyền đi dọc sông Sài Gòn khu vực Thủ Đức lên đến Củ Chi, Bình Dương, Tây Ninh. Còn tại đầu rạch Bến Nghé (bến Chương Dương) sẽ có bến thuyền du lịch đi Chợ Lớn và miền Tây. Trong khi đó, ở khu vực Khánh Hội và Tân Thuận, chính quyền không nên dùng làm khu vực xây cất căn hộ cao tầng và biệt thự, như kiểu đã làm ở khu vực Ba Son (cũ).
Tại văn bản tham gia ý kiến với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Thủ Thiêm 4, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng có ý kiến với kiến nghị bổ sung chức năng cảng du lịch quốc tế tại khu cảng Nhà Rồng-Khánh Hội của Công ty cổ phần cảng Sài Gòn. Việc có chấp thuận bổ sung chức năng cảng du lịch quốc tế hay không sẽ là cơ sở để quyết định tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4, bảo đảm đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với định hướng phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo quy hoạch đã được duyệt.
(Nguồn: Bộ Giao thông vận tải) |
Nguồn: Tùng Quang – Nhân Dân