Với mạng lưới sông, kênh, rạch dài hàng trăm cây số, Đồng Nai có lợi thế trong việc phát triển giao thông đường thủy. Tuy nhiên, những lợi thế này hiện vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải hành khách và phát triển du lịch.
Đồ họa thể hiện số lượng, phân loại và phân bố của các bến thủy hành khách trên địa bàn tỉnh hiện nay. (Thông tin: Phạm Tùng – Đồ họa: Hải Quân) |
Đồng Nai có mạng lưới sông, kênh có tổng chiều dài hơn 241km. Ngoài các khu vực thượng lưu có địa hình phức tạp, các khu vực hạ lưu, đặc biệt là hạ lưu sông Đồng Nai và các sông nhánh đều có điều kiện để khai thác vận tải thủy, trong đó có khai thác phục vụ vận tải hành khách và phát triển du lịch.
Theo Sở GT-VT, đối với việc phát triển vận tải hành khách đường thủy, trên địa bàn tỉnh hiện có 29 bến thủy hành khách; trong đó, có 27 bến khách và 2 bến khách du lịch. Về luồng tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa, hiện trên địa bàn tỉnh có 22 tuyến gắn với 22 bến khách ngang sông. Dù có số lượng bến thủy và tuyến vận tải khá lớn, nhưng sản lượng hành khách vận chuyển bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện còn rất hạn chế.
Ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện, Sở GT-VT cho hay, tổng sản lượng hành khách vận chuyển bằng đường thủy bình quân hằng năm ước đạt 3,3 triệu lượt khách/năm, bằng khoảng 6% so với sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ. Tuy nhiên, trong năm 2020 và đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sản lượng hành khách vận chuyển bằng đường thủy có giảm. “Vận tải hành khách bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện còn rất hạn chế so với tiềm lực. Vận tải hành khách hiện nay chủ yếu là vận chuyển bằng phà và các tuyến khách ngang sông, phục vụ nhu cầu dân sinh là chủ yếu. Các tuyến tàu cao tốc, tuyến vận chuyển khách du lịch chưa được đầu tư và hoạt động kém hiệu quả”- ông Đức cho biết.
Cùng với sự hạn chế trên lĩnh vực vận tải hành khách đường thủy, việc khai thác các tuyến vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng hết sức “èo uột” dù được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn.
Vận tải hành khách đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là các bến khách ngang sông phục vụ nhu cầu dân sinh Trong ảnh: Phà vận chuyển hành khách từ bến đò Trạm, P.Bửu Long, TP.Biên Hòa sang tỉnh Bình Dương. Ảnh: PHẠM TÙNG |
Theo UBND tỉnh, hoạt động khai thác du lịch bằng đường thủy hiện chủ yếu tập trung đối với một số tuyến du lịch trên sông Đồng Nai gồm: cù lao Hiệp Hòa, cù lao Ba Xê, cù lao Cỏ, cù lao Tân Vạn, Khu du lịch Bửu Long, đảo Ó – Đồng Trường. Mặc dù vậy, phần lớn các tuyến du lịch đường thủy này cũng hoạt động hết sức chật vật.
Năm 2018 và 2019, Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ Hoàng Gia Bảo đăng ký khai thác thử nghiệm 4 tuyến vận tải tàu cao tốc gồm: tuyến 1, bến tàu Nguyễn Văn Trị – cù lao Ba Xê (TP.Biên Hòa); tuyến 2, bến tàu Nguyễn Văn Trị – bến đò Hiếu Liêm (H.Vĩnh Cửu); tuyến 3, bến tàu Nguyễn Văn Trị – Đại Phước (H.Nhơn Trạch) và tuyến 4, bến tàu Nguyễn Văn Trị – H.Củ Chi (TP.HCM). Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm không hiệu quả, đến nay cả 4 tuyến vận tải tàu cao tốc nói trên đều đã… ngưng hoạt động.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá, về giao thông đường thủy, Đồng Nai hiện có đầy đủ các tuyến kết nối trong tỉnh cũng như với các địa phương như: TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, sự kết nối về giao thông đường thủy phục vụ vận chuyển hành khách giữa Đồng Nai với các địa phương nói trên là chưa có. Cụ thể, mạng lưới giao thông đường thủy phục vụ vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có các bến đò ngang chứ chưa có bất kỳ tuyến buýt đường thủy, tàu cao tốc hay các phương tiện khác để khai thác. “Giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là vận chuyển cát, đá, đất san lấp từ Đồng Nai đi các tỉnh chứ hoàn toàn chưa có giao thông thủy phục vụ vận chuyển hành khách” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Để “khơi thông” vận tải hành khách đường thủy
Theo ông Lê Văn Đức, tình trạng phát triển hạn chế của vận tải hành khách cũng như du lịch đường thủy hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể, hiện nay chưa có các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút trong việc đầu tư khai thác đối với tuyến vận tải tàu cao tốc, tuyến vận tải khách du lịch. Cùng với đó, hệ thống bến khách thủy nội địa hiện nay chưa có những điểm kết nối tập trung với các tuyến vận tải khách đường bộ, các điểm thu hút khách du lịch dọc sông chưa phát triển. Do đó, việc khai thác tuyến vận tải khách du lịch cũng còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, vận chuyển khách bằng tàu cao tốc, tàu du lịch… đòi hỏi chi phí đầu tư lớn (cảng, bến bãi, phương tiện). Các điều kiện để đảm bảo hoạt động vận chuyển hành khách đường thủy cũng rất cao như: điều kiện về người lái tàu, chi phí nhiên liệu, công tác đảm bảo an toàn giao thông thủy, thời gian vận chuyển, giá vé cao… trong khi hiệu quả hoạt động còn thấp. Chính vì vậy, lĩnh vực này chưa thu hút được nhà đầu tư.
Từ thực tế trên, trong kế hoạch đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sở GT-VT đã kiến nghị UBND tỉnh các giải pháp để góp phần thúc đẩy dịch vụ vận tải khách thủy nội địa góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh cần ưu tiên bố trí vốn cho công tác bảo trì đường thủy nội địa theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo duy trì kết cấu hạ tầng, giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa, phục vụ tốt cho vận chuyển hàng hóa, hành khách đường thủy.
Để đảm bảo tính khả thi đối với việc triển khai tuyến vận tải khách đường thủy cần có một số chính sách hỗ trợ ưu đãi cho thuê đất, thuê mặt nước, vay vốn mua sắm phương tiện nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư khai thác đối với các tuyến vận tải khách đường thủy.
Đối với các tuyến vận tải khách du lịch đường sông, việc phát triển phụ thuộc rất lớn vào các khu, điểm du lịch dọc sông và các điểm kết nối giao thông. Do đó, Sở GT-VT cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TTDL, UBND các địa phương thúc đẩy phát triển các điểm du lịch theo quy hoạch, phối hợp kêu gọi nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái bằng đường thủy nội địa.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, so với đường bộ, việc phát triển giao thông đường thủy phục vụ vận chuyển hành khách sẽ thuận lợi hơn. “Cứ nghĩ đơn giản, để làm một con đường, chúng ta phải giải phóng biết bao nhiêu là đất, phải bố trí tái định cư cho người dân. Trong khi đó, để phát triển tuyến vận tải đường thủy chỉ cần quy hoạch đồng bộ, cắm phao tuyến đầy đủ là có thể khai thác được” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Ngoài chi phí đầu tư thấp, các tuyến vận tải đường thủy còn có lợi thế cạnh tranh hơn so với đường bộ là có thể khai thác lâu dài nhưng ít phải thực hiện duy tu, bảo dưỡng.
Từ thực tế đó, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành GT-VT phải có quy hoạch lại đầy đủ để khai thác các tiềm năng, lợi thế của giao thông đường thủy. Đặc biệt, quy hoạch phải đảm bảo tính kết nối giữa giao thông đường thủy và đường bộ để thu hút hành khách. “Phải có những bến giao thông đường thủy để khi hành khách rời tuyến buýt đường thủy là có ngay tuyến buýt đường bộ. Từ đó, hành khách có thể dễ dàng đi tiếp đến những nơi cần đến” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay.
Theo Sở GT-VT, theo Quyết định số 2144/QĐ-UBND ngày 11-7-2019 của UBND tỉnh về phê duyệt phương án phát triển kết cấu giao thông vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, qua rà soát, đơn vị đề xuất đầu tư một trong 2 điểm kết nối vận tải hành khách đường bộ và đường thủy gồm: điểm thứ nhất là bến trạm xe – tàu Nguyễn Văn Trị, P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa và điểm thứ 2 là bến tàu khu vực P.An Bình, TP.Biên Hòa. Cùng với đó, Sở GT-VT cũng đề xuất mở thêm 2 tuyến tàu cao tốc gồm: tuyến số 1, Biên Hòa – TP.HCM và tuyến số 2, Biên Hòa – Vũng Tàu. |
Nguồn: baodongnai