Gỡ vướng xây dựng cảng thủy
Hiện, khu vực phía Bắc có một số cảng container rất hiện đại, song tỷ lệ vận chuyển hàng hóa container đi/đến cảng Hải Phòng bằng phương tiện thủy mới đạt khoảng 1,8% tổng số hàng container thông qua cảng biển Hải Phòng.
Nguyên nhân do vận tải thủy có thời gian dài hơn, lại không được hưởng các cơ chế ưu đãi nên giá thành chưa đủ sức cạnh tranh với đường bộ. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) e dè trong việc đầu tư cảng thủy.
Trên nhiều tuyến chính tồn tại những cầu có tĩnh không thấp gây cản trở hoạt động vận tải thủy (Trong ảnh: Tuyến vận tải thủy qua sông Đào Hạ Lý, Hải Phòng)
Ông Nguyễn Thái Hòa, Tổng giám đốc Công ty Interserco cho biết, DN này đang đầu tư phát triển cảng thủy Hồng Vân (sông Hồng, Hà Nội) thành cảng container vùng Thủ đô, tiếp nhận tàu trọng tải lớn pha sông biển vào sâu trong nội địa, tiến tới tiếp nhận tàu biển quốc tế.
Tuy nhiên, khó khăn là giá thuê đất cao và không được vận dụng cơ chế đặc thù của dự án đường thủy để được hưởng ưu đãi thuế, miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước.
Đại diện một số DN khác cũng nêu, trên các tuyến vận tải thủy chính tồn tại nhiều cầu có tĩnh không hạn chế (đặc biệt là cầu: Đuống, Đồng Nai, Bình Triệu, Nàng Hai…), cản trở vận tải.
Do đó, cần sớm giải quyết những vướng mắc về hạ tầng đường thủy, có cơ chế giảm thuế, phí cho vận tải đường thủy (như áp dụng mức phí cho tàu VR-SB vào cảng biển theo mức vào bến thủy)…
“Lĩnh vực vận tải thủy có mức đầu tư lớn nên cần có cơ chế ưu đãi về nguồn vốn và giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 5%; giảm thuế thu nhập cho DN cảng thủy và kinh doanh vận tải container bằng đường thủy 5 – 10%. Hàng hóa vận tải theo tuyến ven biển cần được cơ chế riêng về phí cầu bến, bốc xếp, trọng tải, hoa tiêu”, ông Đinh Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Vận tải thủy Tân Cảng nêu.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải thủy, ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý môi giới và dịch vụ hàng hải kiến nghị Hải Phòng và TP.HCM không áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy. Việc này sẽ giảm bớt gánh nặng cho chủ hàng và khuyến khích phát triển vận tải thủy.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, hiện thành phố đã tiếp thu ý kiến và sẽ báo cáo HĐND TP xem xét để có điều chỉnh phù hợp.
Chia sẻ với khó khăn của DN, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển logistics vận tải ĐTNĐ và vận tải ven biển diễn ra hôm qua (14/10), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, những trăn trở của DN kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy hiện nay là tiếp cận vốn, cũng như cơ chế khuyến khích đầu tư để phát triển cảng thủy, đội tàu.
“Nếu đường thủy chỉ áp dụng các cơ chế bình thường về vốn, thuế, phí thì không thể phát triển được. Bộ GTVT sẽ đề xuất các cơ chế ưu đãi về vốn, thuế để khuyến khích thành lập DN, đầu tư cảng thủy, phương tiện. Khi vận tải thủy, vận tải tuyến ven biển được ưu đãi đặc biệt về thuế, phí… hàng hóa chắc chắn sẽ chuyển ngay xuống đường thủy”, Bộ trưởng nói.
Nêu thêm vướng mắc, bất cập trong phát triển hệ thống cảng thủy hiện nay, Bộ trưởng cho biết, khu vực Đồng bằng sông Hồng hiện có 3 tuyến hành lang vận tải thủy thuận lợi, nhưng hệ thống cảng thủy kém phát triển.
Một trong những nguyên nhân là việc đầu tư gặp khó khăn, cản trở do bất cập của Luật Đê điều.
“Các sông miền Bắc đều có đê, nhưng đến nay do tác động của các nhà máy thủy điện lớn, điều kiện thực tế thủy văn đã khác. Sắp tới, muốn phát triển đường thủy phải tháo gỡ khó khăn về đê điều để vừa phát triển kinh tế nông nghiệp, vừa phát triển vận tải thủy. Cục Đường thủy nội địa VN phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT cùng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hai Bộ tháo gỡ vấn đề trên”, Bộ trưởng chỉ đạo .
Quy hoạch khu vực dành riêng phương tiện thủy trong cảng biển
Cũng tại hội nghị trên, một số DN đề xuất giải pháp cụ thể phát triển logistics vận tải thủy và vận tải ven biển, trong đó có bổ sung quy hoạch một số tuyến vận tải thủy nội địa.
Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, cần bổ sung một số tuyến kết nối cảng biển Hải Phòng với các cảng thủy ở vùng sản xuất như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội để tăng cường năng lực vận tải, giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Khu vực phía Nam bổ sung các quy hoạch các bến thủy nội địa đặc biệt vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là tại khu vực Cái Mép, TP.HCM, Đồng Nai.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN”
“Cần điều chỉnh quy hoạch cấp kỹ thuật luồng đường thủy phù hợp với quy mô phát triển vận tải container; quy hoạch các bến phao neo đậu chờ làm hàng cho phương tiện thủy tại các khu vực cảng biển”, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đề xuất.
Chỉ đạo giải quyết các kiến nghị trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay của đường thủy là quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy theo quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030.
“Quy hoạch kết cấu đường thủy đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt, Cục Đường thủy nội địa VN phải tổ chức công bố quy hoạch và tập trung triển khai, cụ thể hóa để phát triển vận tải thủy”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, quy hoạch chi tiết cần có sự lồng ghép, gắn chặt hàng hải và đường thủy.
“Cục Hàng hải, Đường thủy nội địa VN cần định hướng bổ sung trong các cảng biển lớn phải có khu vực, vị trí dành riêng phương tiện thủy vào làm hàng để trung chuyển thuận lợi lên cảng, tàu biển. Hàng hải và đường thủy phải có sự lồng ghép, gắn kết chặt chẽ để phát huy hiệu quả. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT nên dứt khoát phải giải quyết được bằng quy hoạch chi tiết về cảng biển, đường thủy”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Liên quan đến tuyến vận tải VR-SB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Cục Đăng kiểm VN nghiên cứu mẫu phương tiện của các nước trong khu vực để ban hành những quy chuẩn thiết kế kỹ thuật phù hợp, làm cơ sở để DN đầu tư, khai thác hiệu quả trong phạm vi cách bờ 12 hải lý dành cho tuyến vận tải ven biển.
Nguồn: baogiaothong