Các Chính phủ được khuyến nghị ưu tiên người đi biển trong các chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Trong tuyên bố chung (Thông báo số 4204/Add.42 ngày 17/9/2021 của IMO – truy cập tại: https://www.imo.org/en/MediaCentre/PressBriefings/pages/medicalassistance.aspx), Tổng Thư ký IMO Kitack Lim và Tổng Giám đốc ILO Guy Rider cho biết các thuyền viên đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế và nhấn mạnh “nghĩa vụ đạo đức để đảm bảo thuyền viên có thể tiếp cận dịch chăm sóc y tế trên bờ ngay lập tức, bất cứ khi nào họ cần, và để mở rộng sự hỗ trợ y tế trên tàu nếu nhu cầu phát sinh bằng cách cho phép các bác sĩ và nha sĩ có trình độ lên tàu. Điều quan trọng nữa là phải tiến hành đánh giá y tế trước khi thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào, có thể bao gồm đánh giá y tế từ xa do các nhà cung cấp dịch vụ y tế quốc tế cung cấp. “
“Nhận được sự chăm sóc như vậy có thể là vấn đề sinh tử đối với những thuyền viên bị ốm khi đang làm việc trên tàu. Cộng đồng quốc tế cần cố gắng hết sức để hỗ trợ những người đã duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu trong điều kiện đại dịch suốt 18 tháng qua và tiếp tục thực hiện thường xuyên điều đó bất chấp những khó khăn cá nhân rất to lớn”, Tổng Giám đốc ILO và Tổng Thư ký IMO nhấn mạnh.
Tuyên bố chung lưu ý “gần 14 tháng sau khi ban hành “Khuyến nghị đối với các quốc gia có cảng và ven biển về việc nhanh chóng đưa thuyền viên rời tàu để chăm sóc y tế trên bờ trong đại dịch COVID-19″ (Thông báo số 4204/Add.23 của IMO), các thuyền viên vẫn đang phải vật lộn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc như vậy khi cần thiết. Sự ủng hộ tích cực từ các Quốc gia thành viên, ngành hàng hải, các đối tác xã hội và chính những người đi biển đã một lần nữa đưa hoàn cảnh khó khăn của những người đi biển lên hàng đầu.”
Như được quy định trong Công ước Lao động hàng hải năm 2006 của ILO (MLC, 2006), các Quốc gia thành viên có trách nhiệm đảm bảo các thuyền viên trên tàu trong lãnh thổ của họ được tiếp cận với các cơ sở y tế trên bờ, nếu thuyền viên có yêu cầu chăm sóc y tế ngay lập tức, bao gồm cả chăm sóc nha khoa (Xem Nghị quyết liên quan việc thực hiện và áp dụng thực tế MLC, 2006 trong đại dịch COVID-19, được Ủy ban ba bên đặc biệt của MLC, 2006 thông qua vào tháng 4/2021.) Nghĩa vụ pháp lý hỗ trợ thuyền viên gặp nạn, bao gồm hỗ trợ y tế, cũng là một thành phần nội tại của các công ước IMO, cụ thể là Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS), Công ước Quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải (SAR) và Công ước về tạo thuận lợi cho giao thông hàng hải quốc tế (FAL).
Các quốc gia có cảng và ven biển cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa thuyền viên rơi tàu nhanh chóng.
Tuyên bố chung IMO-ILO một lần nữa kêu gọi các Chính phủ công nhận tầm quan trọng chiến lược của lĩnh vực hàng hải và, phù hợp với nghị quyết A/75/17 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được thông qua ngày 01/12/2020, công nhận thuyền viên là người lao động chủ chốt, cho phép họ tiếp cận chăm sóc y tế. Thông báo số 4204/Add.35/Rev.7 bao gồm danh sách hiện tại của các Quốc gia thành viên IMO đã thông báo cho IMO việc họ đã công nhận thuyền viên (và các nhân viên hàng hải khác, nếu thích hợp) là người lao động chủ chốt.
Các Chính phủ được khuyến nghị ưu tiên người đi biển trong các chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 quốc gia, theo Lộ trình của WHO SAGE (Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới) về ưu tiên sử dụng vắc xin COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, được cập nhật ngày 16/7/2021 và cung cấp các vắc xin trong Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) được WHO phê duyệt để đảm bảo tình trạng tiêm chủng được quốc tế công nhận. Danh sách vắc xin EUL được WHO phê duyệt có thể truy cập tại: https://extranet.who.int/pqweb/vaccines/covid-19-vaccines.
Người đứng đầu ILO và IMO cũng khuyến khích các Chính phủ công nhận vai trò của các nhân viên hàng hải khác trong việc tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu và, nếu có thể, cũng nên ưu tiên tiêm chủng cho họ.
Theo thông tin mà IMO và ILO nhận được cho thấy đến nay đã có 24 quốc gia thông báo việc thực hiện các chương trình tiêm phòng cho thuyền viên, hoặc thể hiện ý định của họ làm như vậy, tại các cảng được chỉ định thuộc quyền tài phán quốc gia. Danh sách các quốc gia này và các cảng chỉ định của họ thể truy cập tại: https://icma.as/vaccines/.
Tuyên bố chung IMO-ILO nêu rõ: “Chúng tôi vô cùng biết ơn những quốc gia này nhưng kêu gọi nhiều hơn nữa việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là việc tiêm phòng cho các thuyền viên phục vụ vận tải biển quốc tế. Các cơ quan thuộc Chính phủ, ngành công nghiệp, các tổ chức của người lao động và phúc lợi cho thuyền viên tiếp tục làm việc tích cực để tạo thuận lợi và/hoặc cung cấp vắc xin cho thuyền viên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức của Liên hợp quốc, các Chính phủ và các tổ chức trong ngành hàng hải để giải quyết các nhu cầu hiện tại của thuyền viên và bảo vệ các quyền cơ bản của họ, để họ có thể tiếp tục tạo thuận lợi cho kinh tế toàn cầu.”
Nguồn: vr.org.vn