Khi hình thành, siêu cảng Cần Giờ sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 – 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động ở các ngành dịch vụ hậu cần…
Ngày 6-12, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng về báo cáo thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM.
Dự án do liên danh nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (công ty thành viên Hãng tàu MSC) đề xuất đầu tư.
Báo cáo thẩm định đã được tổng hợp ý kiến của các bộ ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư siêu cảng Cần Giờ
Theo tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với quy mô diện tích 571ha. Vốn đầu tư sẽ được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện dự án và đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỉ đồng. UBND TP.HCM được yêu cầu chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư trong quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.
UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu và nghị quyết số 98…
Trong đó lưu ý các vấn đề quốc phòng an ninh, môi trường, năng lực nhà đầu tư; tiêu chí, giải pháp khai thác có hiệu quả dự án, tránh cạnh tranh nội bộ giữa các cảng biển của Việt Nam; bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
TP.HCM phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan để xây dựng các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong thực hiện lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo không tác động tiêu cực đến vùng đệm, vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng tiêu chí công nghệ sử dụng, phương án vận hành cảng biển trong dự án…
Về trách nhiệm của nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện: phải đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu để triển khai theo đúng tiến độ cam kết; ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án.
Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác có liên quan. Hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Siêu cảng Cần Giờ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước
Cảng Cần Giờ đã có từ lâu trong ý tưởng, quy hoạch và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Cảng được đánh giá là một công trình tầm vóc, mang lại lợi ích lớn cho đất nước. Việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ là để hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, TP.HCM thời gian qua đã xây dựng, hoàn thiện và trình đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo đó, vị trí cảng nằm ở cửa sông Cái Mép – Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.
Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung tiềm năng, tương hỗ đưa cả Cái Mép – Thị Vải trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.
Ngoài các điều kiện thuận lợi về vị trí chiến lược, điều kiện tự nhiên, luồng hàng…, một yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển một cảng trung chuyển quốc tế đó chính là có sự quan tâm của hãng tàu MSC.
MSC là hãng tàu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ. Hãng tàu này có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu TEU/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới. Các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4,8 tỉ USD
Theo hồ sơ đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 113.531,7 tỉ đồng (tương đương 4,8 tỉ USD). Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua, dự kiến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn.
Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 khu bến chính/7 khu bến chính).
Giai đoạn 2 (sau năm 2030 – 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
Đức Phú – tuoitre.vn