TP Hồ Chí Minh sẽ xây cầu Cần Giờ, mở rộng đường Rừng Sác và các cây cầu trên tuyến, làm đường trên cao dọc đường Rừng Sác… kết nối với dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần 5,5 tỉ USD.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo đó, về giao thông kết nối cảng, giai đoạn từ nay đến 2030, thành phố đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Cầu dự kiến dài hơn 3,6 km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án gần 10.000 tỉ đồng, được đầu tư theo phương thức đối PPP.
Hiện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đang tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay.
Giai đoạn 2023 – 2024, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư để khởi công cầu Cần Giờ năm năm 2025, hoàn thành năm năm 2028.
Ngoài cầu Cần Giờ, ngành giao thông thành phố lên kế hoạch đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tại xã Bình Khánh. Đồng thời, các cầu trên đường Rừng Sác cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Giai đoạn sau năm 2030, thành phố đầu tư xây dựng đường kết nối từ vị trí xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với đường Rừng Sác.
Đáng chú ý, thành phố dự kiến đầu tư xây dựng đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, đoạn từ nút giao đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa.
Ngành giao thông thành phố cũng nghiên cứu phát triển, hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ Khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến Metro số 4 tại huyện Nhà Bè.
Theo đề án, vị trí đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại khu vực Cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Dự án có quy mô 7 km cầu cảng và 2 km bến sà lan với nhu cầu sử dụng đất khoảng 571 ha.
Do đó, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEUs – một TEUs tương đương container loại 20 feet), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 – 65.000 tấn và sà lan tải trong 8.000 tấn.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được chia làm 7 giai đoạn triển khai, trong đó, giai đoạn 1 khai thác trước năm 2030 và giai đoạn cuối sẽ được hoàn thành năm 2045.
Tổng công suất hàng hóa thông qua cảng dự kiến đạt 4,8 triệu TEUs vào năm 2030, và tăng trưởng dần đạt tới 16,9 triệu TEUs khi dự án hoạt động hết công suất (dự kiến năm 2047).
Tổng mức đầu tư siêu cảng này ước tính gần 129.000 tỉ đồng – tương đương hơn 5,45 tỉ USD, do nhà đầu tư tự thu xếp thực hiện.
Theo: HUYỀN TRÂN – LAO ĐỘNG