Đầu năm 2023, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 81/2013/QH15 ngày 9/1/2023 về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có định hướng xây dựng Cảng Quốc tế Cần Giờ.
Đầu năm 2023, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 81/2013/QH15 ngày 9/1/2023 về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có định hướng xây dựng Cảng Quốc tế Cần Giờ. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc định hướng và giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Dự án Xây dựng Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh).
Để tìm hiểu quá trình thực hiện dự án đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn đã có chia sẻ với Tạp chí GTVT xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết đôi nét về quy mô, lộ trình đầu tư dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ?
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm: Dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ có quy mô đầu tư xây dựng với tổng chiều dài cầu cảng dự kiến khoảng 7,0 km và bến sà lan 2,0 km. Tổng diện tích khu đất 571 ha, trong đó cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật… khoảng 469,5 ha, diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5 ha.
Khi đi vào hoạt động, cảng khai thác tàu vận tải container lên đến 250.000 DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 – 65.000 DWT (750 – 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 T (356 Teu). Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu Teu.
Dự án gồm 7 giai đoạn (từ 2023 đến 2045), giai đoạn 1 và 2 triển khai trong giai đoạn 2024 – 2027, các giai đoạn còn lại sẽ triển khai sau năm 2030, dự kiến đưa vào khai thác năm 2027. Sơ bộ tổng mức đầu tư 113 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD).
Việc Thành phố lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Đề án Nghiên cứu đầu tư xây dựng Dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ đã hoàn tất chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm: Đề án Nghiên cứu xây dựng Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ được TP. Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ lần đầu từ tháng 8/2023. Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ngày 4/12/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh có Công văn số 6083/UBND-DA gửi các bộ, ngành, địa phương liên quan xin ý kiến góp ý đối với Đề án.
Đến nay, UBND TP. Hồ Chí Minh đã nhận được 9/16 văn bản góp ý của 6 bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương) và 3 địa phương liên quan (UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Long An).
Để có cơ sở tổng hợp ý kiến, hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương gửi văn bản góp ý về UBND TP. Hồ Chí Minh trước ngày 18/1/2024 để kịp tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong công văn xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra đề xuất định hướng nghiên cứu phát triển Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ.
Các cột mốc quan trọng của Dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ:
- Tháng 11/2021, VIMC/SGP và MSC/TiLH đã ký thỏa thuận Khung Hợp tác (Cooperation Framework Agreement – CFA).
- Tháng 4/2022, VIMC/SGP và MSC/TiLH đề xuất sơ bộ đầu tư dự án Cần Giờ lên Bộ GTVT.
- Tháng 4/2023, SGP và TiLH nộp hồ sơ báo cáo tiền khả thi dự án Cần Giờ lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Tháng 5/2023, UBND Thành phố tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ.
- Tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã đi khảo sát Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ.
- Tháng 8/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh có Tờ trình số 4075/UBND-DA ngày 23/8/2023 trình Thủ tướng chính phủ Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ.
- Tháng 12/2023, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2031 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, quy hoạch bổ sung Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ vào nhóm cảng biển TP. Hồ Chí Minh.
Thưa ông, việc triển khai thực hiện bổ sung Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ vào Quy hoạch tổng thể Quốc gia đang được tiến hành thế nào?
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm: Để có cơ sở triển khai đầu tư siêu dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ tại khu vực Cần Giờ, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan liên quan, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT cập nhật bổ sung dự án này vào các quy hoạch để đảm bảo triển khai phù hợp.
Tháng 12/2023, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bổ sung cảng Cần Giờ vào nhóm cảng biển TP. Hồ Chí Minh và nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1/8/2023 thí điểm một số cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh trong 3 năm, kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp cuả Thành phố. Nghị quyết 98 đã tạo cơ chế để TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh hơn việc thực hiện các dự án, trong đó có dự án cảng biển quốc tế Cần Giờ.
Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là từ Nghị quyết 98 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai dự án trong việc lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù.
Ông có thể cho biết hiệu quả về kinh tế – xã hội mà dự án sẽ mang lại cho TP. Hồ Chí Minh nói chung và cả nước nói riêng?
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm: Dự án sẽ giúp phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đồng thời giúp TP. Hồ Chí Minh giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên vị trí hàng đầu về vận tải biển.
Khi hình thành, cảng sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 6.000 – 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics…
Dự kiến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 – 40.000 tỷ đồng/năm; tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính và ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, dự án sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế.
Ông đánh giá như thế nào về vị trí địa lý chiến lược của Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ trong ngành Logistics hiện nay và định hướng phát triển các trung tâm logistics, kết nối vùng?
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm: Với phương châm “Kết nối đối tác – Chia sẻ nguồn lực – Phục vụ khách hàng”, Cảng Sài Gòn định hướng liên minh khai thác hạ tầng, hợp tác đầu tư hoặc cung cấp tư vấn phát triển quản lý khai thác với các ICD sẵn có tại Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Hậu Giang và Cần Thơ.
Cảng Sài Gòn sẵn sàng đóng góp ý kiến, tư vấn phát triển, nghiên cứu hình thức đầu tư Trung tâm Logistics Hiệp Phước, Nhơn Trạch, Cần Giờ trong quy hoạch kết nối chuỗi logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua hệ thống các cảng liên doanh tại Cái Mép và tương lai của cảng Cần Giờ.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, mô hình phát triển cảng trung chuyển quốc tế ở Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, Dubai, Malaysia, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) luôn gắn liền phát triển hậu cứ khu thương mại mở (Free Trade Zone). Khu vực Cần Giờ, Hiệp Phước, Nhơn Trạch, Long Thành và Cái Mép – Thị Vải sẽ kết nối thành trung tâm logistics khu vực và khu thương mại mở.
Để tháo gỡ những khó khăn, đơn vị có kiến nghị gì đến TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành chức năng, thưa ông?
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm: Chúng tôi nhận thấy rằng, việc di dời Cảng Nhà Rồng Khánh Hội (Quận 4) và sắp tới là di dời Cảng Tân Thuận tại Quận 7 khi Thành phố xây cầu Thủ Thiêm 4 sẽ tạo ra thách thức lớn về việc giữ vững được thị phần hàng hóa của Cảng Sài Gòn.
Cảng Sài Gòn xin kiến nghị việc di dời Cảng Tân Thuận được thực hiện đồng bộ với việc triển khai dự án tại Cần Giờ. Đồng thời, chúng tôi đang xây dựng đề xuất phát triển tại khu vực Cảng Tân Thuận theo quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh và Quận 7.
Do vậy, Cảng Sài Gòn đề xuất chuyển đổi công năng khu bến cảng Tân Thuận thành trung tâm phân phối hàng hóa, bao gồm các dịch vụ khai thác cầu cảng, kho lạnh, kho lưu trữ… Đồng thời, Cảng Sài Gòn đề nghị sẽ thực hiện đầu tư mới hệ thống kho, trung tâm phân phối (Distribution Center) và các công trình phụ trợ; chỉnh trang cảnh quan khu vực đáp ứng yêu cầu của một trung tâm phân phối xanh, hiện đại.
Các đề xuất trên nhằm đảm bảo cuộc sống, công ăn việc làm của người lao động Cảng Sài Gòn, góp phần vào sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mỹ Lệ – Tạp chí Giao Thông Vận tải