Các bến cảng container khu vực Cái Mép hiện đứng thứ 32 trên thế giới về công suất và đứng thứ 12 về chỉ số hoạt động tốt nhất và là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á.
Bà Rịa – Vũng Tàu có cảng Cái Mép – Thị Vải đứng thứ 12 cảng container hoạt động tốt nhất thế giới
Tọa lạc vị trí chiến lược, khu bến cảng chính của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay là khu vực Vũng Tàu – Cái Mép – Thị Vải, đóng vai trò là cảng cửa ngõ kết nối giao thương hàng hóa đường thủy của các tỉnh Nam Bộ và là cảng trung chuyển quốc tế công suất lớn, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Khu vực Cái Mép – Thị Vải chiếm tới 70% tổng lượng hàng container của cả nước
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence về Chỉ số CPPI cho 348 cảng container toàn cầu, bao gồm cảng Hub port trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia.
Các bến cảng container khu vực Cái Mép hiện đứng thứ 32 trên thế giới về công suất và đứng thứ 12 về chỉ số hoạt động tốt nhất. Cao hơn một số cảng biển lớn như Singapore (vị trí thứ 18), Yokohama – Nhật Bản (vị trí thứ 15), Busan – Hàn Quốc (thứ 22).
Đây cũng là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á. Thúc đẩy kết nối cảng biển tại khu vực với mạng lưới toàn cầu, là một cánh cửa mở ra thế giới.
Hiện nay, khu vực Cái Mép – Thị Vải có khoảng 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 22 bến cảng (19 dự án chính thức, 3 dự án tạm khai thác), với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu Teu/năm. Các bến cảng đã tiếp nhận thế hệ tàu container có trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, với trọng tải lên đến 232.000 DWT và sức chứa trên 24.000 TEU.
Có thể thấy, mặc dù nền kinh tế thế giới vào năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn, trong sáu tháng đầu năm, lượng hàng tàu biển thông qua các cảng biển chỉ đạt 34,1 triệu tấn, bằng 90% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến hết quý III/2023, tổng lượng hàng tàu biển thông qua các cảng Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt hơn 55 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ, chiếm 14% tổng khối lượng hàng hóa thông quan toàn hệ thống cảng biển Việt Nam.
Khu vực Cái Mép – Thị Vải chiếm tới 70% tổng lượng hàng container của cả nước.
Bà Rịa – Vũng Tàu định hướng trở thành trung tâm kinh tế biển và thành phố trực thuộc TW vào năm 2030
Trong tương lai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hình thành 4 vùng chức năng gồm: công nghiệp – cảng biển; du lịch và đô thị biển; nông nghiệp và cân bằng sinh thái; vùng biển và hải đảo.
Kinh tế phát triển theo 3 trục động lực gồm: Trục kinh tế công nghiệp – cảng biển Cái Mép – Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; trục công nghiệp – logistics dọc cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh; trục du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển sẽ đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5-3,8%/năm. Hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9-1%/năm. Đồng thời, cũng là trung tâm du lịch chất lượng cao và một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế, khu thương mại tự do gắn với hệ thống cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới, chuỗi sản phẩm về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch thể thao – giải trí chất lượng cao,..
Đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả. Đến năm 2030, Bà Rịa – Vũng Tàu có 22 tuyến đường tỉnh, trong đó có 12 tuyến hiện hữu và 10 tuyến bổ sung theo quy hoạch.
Với những tiềm năng, thế mạnh vượt trội của các ngành dịch vụ cảng biển, vận tải và logistics. Cùng với đó, quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg. Mục tiêu đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương và giữ vững vị trí trong nhóm 10 địa phương có GRDP và tổng thu ngân sách cao nhất cả nước.
Khánh Linh – antt.nguoiduatin.vn