Ngày 19/7, tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IX (2024 – 2027) với chủ đề “Hợp nhất sức mạnh – phát triển bền vững”.
Toàn cảnh Đại hội nhiệm kỳ IX (2024 – 2027) của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA). (Ảnh: VLR)
Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với biến động và đảm bảo chuỗi cung ứng
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA nhiệm kỳ VIII cho biết, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của giai đoạn vừa qua, nhất là giai đoạn đại dịch Covid-19, Hiệp hội VLA đã nỗ lực, đoàn kết vượt qua mọi trở ngại. VLA đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ ngành dịch vụ logistics trong nước vượt qua khó khăn không chỉ trong thời kỳ dịch Covid-19 mà còn cả trong giai đoạn hậu đại dịch.
Các đề xuất, sáng kiến và biện pháp hỗ trợ kịp thời của VLA đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với những thay đổi bất thường, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo chuỗi cung ứng tránh khỏi những gián đoạn. VLA đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, từ việc cung cấp thông tin kịp thời, chia sẻ kinh nghiệm đối phó với đại dịch, đến việc phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics trong và sau đại dịch.
Phát biểu chúc mừng Đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao những kết quả mà Hiệp hội VLA đã đạt được trong nhiệm kỳ VIII (2021 – 2024), đặc biệt là những đóng góp của Hiệp hội trong công tác phản biện chính sách, thúc đẩy hợp tác quốc tế; quảng bá, giới thiệu, kết nối hợp tác ngành nghề trong nước, khu vực và thế giới.
« Sự tham gia, góp ý của Hiệp hội trong việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến ngành dịch vụ logistics cũng như phản ánh các vấn đề nóng, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong ngành có ý nghĩa to lớn, là một căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung », Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, Hiệp hội VLA đã cùng cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics trong thực hiện “mục tiêu kép” không chỉ phòng, chống đại dịch Covid-19, đảm bảo việc cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc phục vụ người dân trên cả nước mà còn tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để góp phần phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Điều này đã phần nào phản ánh qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019 và vượt qua mọi khó khăn của giai đoạn đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu là điểm sáng tích cực của kinh tế Việt Nam, liên tục vượt mốc 600 tỷ USD vào năm 2021 và 700 tỷ USD vào năm 2022, năm 2023 đạt 683 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Lưu thông hàng hóa trong nước về cơ bản được đảm bảo, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá cao những kết quả mà Hiệp hội VLA đã đạt được trong nhiệm kỳ VIII, đặc biệt trong công tác phản biện chính sách, thúc đẩy hợp tác quốc tế. (Ảnh: VLR)
Tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển bền vững ngành dịch vụ logistics Việt Nam
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.
Để đạt được những mục tiêu này, cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, trong đó, vai trò của Hiệp hội VLA là rất quan trọng. Do vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị VLA tiếp tục phát huy vai trò là Hiệp hội quốc gia các doanh nghiệp dịch vụ logistics, tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ đã được giao trong Quyết định 221/QĐ-TTg, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương để nắm bắt và tham gia giải quyết kịp thời những vấn đề, khó khăn phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ logistics. Phát huy hơn nữa vai trò, nói lên tiếng nói của mình trong tư vấn, phản biện chính sách và những vấn đề liên quan đến dịch vụ logistics như tình trạng tăng cước vận chuyển đường biển và thu phí bất hợp lý,…
VLA cần nâng cao vai trò của mình là một hiệp hội quốc gia, đoàn kết sức mạnh cộng đồng logistics Việt Nam, kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics quốc tế thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững. Đồng thời, tăng cường giúp đỡ hội viên thực hiện công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong các hoạt động logistics đáp ứng yêu cầu của tình hình mới để Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ logistics thế giới…
Đối với các doanh nghiệp dịch vụ logistics, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ. Đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh đàm phán và cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics.
Phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập; chủ động nắm bắt thông tin, cập nhật kịp thời cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực logistics cũng như những diễn biến mới, những sự kiện nóng của kinh tế thế giới và trong nước để có kế hoạch kinh doanh phù hợp. Khẩn trương xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, khả năng chống chịu, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường, quyết tâm mở rộng phạm vi kinh doanh ra các thị trường bên ngoài Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong môi trường làm việc quốc tế…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, đại diện Vụ Tổ chức phi Chính phủ (Bộ Nội vụ) chúc mừng Ban chấp hành Hiệp hội VLA nhiệm kỳ IX (2024-2027). (Ảnh: VLR)
Để phát triển ngành logistics, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với 06 mục tiêu 61 nhiệm vụ cụ thể với nhiều giải pháp toàn diện nhằm đưa ngành dịch vụ logistics nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ liên tục ban hành các nghị quyết nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics như: Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, giảm chi phí logistics đáp ứng được với sự vận hành của nền kinh tế trong giai đoạn mới, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung cho cả giai đoạn đến năm 2025 và các năm tiếp theo; Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ ban hành đã chỉ rõ quan điểm của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Năm 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu (theo bảng xếp hạng của Agility). Tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2027 của thị trường được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI – Logistics Performance Index) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của ngành logistics Việt Nam cũng gặp phải các khó khăn, thách thức như: Việt Nam thực hiện đầy đủ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với sự gia tăng cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp logistics nước ngoài; hạ tầng Logistics tuy có được đầu tư mở rộng nhưng thiếu kết nối đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của việc phát triển nhanh chóng dịch vụ logistics; chi phí logistics vẫn ở mức cao: chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của ngành logistics… dẫn tới hạn chế chất lượng và năng lực cung cấp dịch vụ logistics.
Việt Hằng – Tạp chí Công thương điện tử.