Thủ tướng cho rằng để bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ, có nhiều cách, trong đó có thể làm đường trên cao, hay làm tàu điện ngầm đến Cần Giờ.
Trao đổi trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi kết luận tại phiên họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, sáng 26-11.
Sau khi nghe các bộ ngành và TP.HCM phát biểu, Thủ tướng một lần nữa quán triệt muốn thực hiện nghị quyết 98 thành công, “tư tưởng chỉ đạo phải thông suốt, và quyết tâm phải rất cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt nhưng phải trọng tâm trọng điểm”.
Thủ tướng đánh giá, về mặt được, các bộ, ngành và TP.HCM đã có chuyển biến tư duy, nhận thức, cách tiếp cận giải quyết vướng mắc của TP.HCM. Từ những cơ chế, chính sách đặc thù góp phần tạo động lực, niềm tin thúc đẩy phát triển TP.HCM.
Nghị quyết 98 cũng giúp bộ, ngành và TP.HCM tự tin hơn để xây dựng các chính sách đặc thù phù hợp, tích cực hơn, hiệu quả hơn trong xây dựng cơ chế, chính sách.
Dù vậy, theo Thủ tướng, một số bộ, ngành tư tưởng chưa thông, cách làm còn dè dặt, cách tiếp cận chưa đúng. Qua phát biểu của đại diện bộ, ngành cho thấy còn ràng buộc, vướng mắc.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành sắp tới phải “có tư tưởng tấn công, mạnh mẽ, chủ động hơn nữa”. Đồng thời, giữa các bộ, ngành và TP.HCM phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chủ động hơn.
Đi sâu vào một số nội dung cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương trong tháng 12-2023 hoàn thành việc hướng dẫn mua bán trực tiếp điện lắp mái, trong đó cố gắng vận dụng chính sách cao hơn cho TP.HCM.
Về cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng cho hay theo định hướng trước đây, cảng Cần Giờ chưa có chức năng cảng trung chuyển quốc tế. Tuy nhiên, nghị quyết Bộ Chính trị cũng đã nói rõ về định hướng xây dựng cảng trung chuyển quốc tế ở Cần Giờ.
“Vừa qua tôi cũng có nghe những ý kiến khác nhau, đa số đồng tình nhưng vẫn có ý kiến khác. Đề nghị TP.HCM chủ động cùng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị việc lấy ý kiến cần xoay quanh việc bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và yếu tố cạnh tranh của cảng Cần Giờ với các cảng biển khác hiện có.
“Về mặt số liệu, làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thấy thuyết phục, buôn có bạn bán có phường, một bên dòng sông Thị Vải làm rồi, bên kia dòng sông sao không làm. Tuy nhiên cũng nên đưa ra hội thảo bàn luận để có thêm dữ liệu giải trình”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc khi làm dự án phải bảo vệ những gì thiên nhiên ban tặng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và TP.HCM. Bây giờ kỹ thuật có thể nghiên cứu làm đường trên cao, hay làm tàu điện ngầm dưới lòng sông. Chi phí làm có thể cao hơn nhưng đổi lại bảo vệ được rừng, khai thác được tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của Cần Giờ.
“Hiện chủ trương đã thông suốt rồi, các bộ và TP.HCM cần khẩn trương nghiên cứu, nếu thấy không có vấn đề gì thì sớm đưa vào quy hoạch. Cố gắng hoàn thành trong quý 1-2024. Khởi xướng, nghiên cứu nhiều rồi thì nên khẩn trương đưa vào”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề nghị bổ sung chức năng khu bến cảng Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể
Báo cáo trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay để sớm thu hút nhà đầu tư chiến lược, đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung chức năng khu bến cảng Cần Giờ tại quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có căn cứ trình cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án.
Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, phối hợp với TP.HCM thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để có quỹ đất thu hút nhà đầu tư chiến lược.