Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14% – 15%, quy mô 40 – 42 tỷ đô la Mỹ một năm. Doanh nghiệp logistics của Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động.
Mặc dù ngành logistics của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, vì con non trẻ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư tổ chức, khai mạc tại TP.HCM sáng ngày 31/10, với chủ đề: “Chuyển đổi để bứt phá”
Các khó khăn được chỉ ra: Thứ nhất, chính sách, thể chế đối với ngành logistics còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ đối với ngành logistics.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics như kho hàng, bến bãi, trung tâm logistics còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa hình thành được các hành lang vận tải đa phương thức thông suốt, còn thiếu các trung tâm logistics ở vị trí chiến lược, kết nối với hệ thống cảng, sân bay, đường bộ và cơ sở sản xuất.
Thứ ba, doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm, vốn, nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh còn yếu, thường đóng vai trò nhà thầu phụ hay đại lý cho các tập đoàn nước ngoài.
Thứ tư, nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành logistics còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là thiếu các nhân sự logistics trình độ cao, có năng lực ứng dụng và triển khai các công nghệ mới tại các doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, những tồn tại, hạn chế nêu trên đang đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong việc phát triển ngành logistic trong thời gian tới. Bởi hiện nay các lĩnh vực đang chuyển đổi rất nhanh nhờ chuyển đổi số. Như vậy, với ngành logistics không chỉ phải đối mặt với những khó khăn trong việc thay đổi mang tính lịch sử mà còn phải đối mặt với sự chuyển đổi để phù hợp với xu thế mới.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể nắm bắt, ứng dụng được các công nghệ mới, tận dụng được những tiềm năng sẵn có của đất nước và những cơ hội khách quan mang lại để có đủ sức cạnh tranh cả ở trong nước và quốc tế, để đưa ngành logistics của Việt Nam phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của mình.
Để đạt được điều đó, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cùng với doanh nghiệp cần phối hợp triển khai các cái nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Thứ hai, về phát triển kết cấu hạ tầng, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics bao gồm hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics. Tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch về hạ tầng giao thông vận tải để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối của hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu cũng như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở Trung ương, các địa phương, các trường đại học, dạy nghề và các doanh nghiệp trong việc xác định các nhu cầu về lao động, giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn về nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị trong lĩnh vực này.
Thứ tư, về phía các doanh nghiệp logistics cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao biết sử dụng các công nghệ mới. Thực hiện liên kết, liên doanh, mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hơn.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có quyết tâm cao hơn; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hơn các cơ chế, các chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi để vượt qua các thách thức, thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới.
Thùy Vinh – baodautu.vn