Tính chung 4 tháng đầu năm nay, sản lượng container thông quan qua các cảng biển tại Việt Nam tăng tới 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2024.
Sản lượng container qua các cảng biển tăng 27%
Sản lượng hàng hoá qua các cảng biển tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Cục Hàng hải Việt Nam vừa cho biết sản lượng hàng hoá qua các cảng biển tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực với tổng sản lượng trong 4 tháng đầu năm nay ước đạt 277 triệu tấn, tăng tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tăng trưởng sản lượng hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu lần lượt là 19% và 31% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với hàng container, sản lượng thông quan trong 4 tháng đầu năm nay đạt 9,3 triệu TEU, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2024. Trong đó, hàng nội địa ghi nhận mức tăng mạnh nhất, lên tới 34%, đạt 3,4 triệu TEU. Hàng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 22% và 20% so với cùng 4 tháng đầu năm 2023.
Theo đánh giá mới đây của TPS Research, tình hình xuất nhập khẩu cả nước và kết quả sản lượng qua cảng biển thuận lợi sau 4 tháng đầu năm đang giúp củng cố kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển trong 2 quý cuối năm – mùa cao điểm vận chuyển khi các nhà nhập khẩu tăng tốc chuẩn bị nguồn cung hàng hoá cho dịp lễ hội.
(Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam, TPS Research)
Sản lượng bốc dỡ hàng hoá qua các cảng biển được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhờ loạt yếu tố thuận lợi, gồm: áp lực lạm phát trên toàn cầu đã hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đang duy trì đà phục hồi tích cực, Mỹ có thể công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong quý 3/2024, và giá cước xếp dỡ cảng nước sâu tăng thêm 10% theo Thông tư 39/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, có hiệu lực từ 15/2/2024.
Theo đó hai cụm cảng trọng điểm là cụm cảng Hải Phòng và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ là những khu vực ghi nhận kết quả khởi sắc rõ rệt nhất.
Áp lực cạnh tranh tăng cao tại nhóm cảng hạ nguồn
(Nguồn: Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, TPS Research)
Đối với cụm cảng Hải Phòng, trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng khai thác tại đây đạt 48,9 triệu tấn hàng hoá các loại, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng tại cụm cảng này vẫn đang tập trung được khai thác ở nhóm cảng biển hạ nguồn như cảng Tân Vũ, Đình Vũ, Nam Đình Vũ… (chiếm khoảng 58% tổng sản lượng).
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy đang có sự dịch chuyển sản lượng khai thác sang khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện với lợi thế có thể đón các tàu mẹ vào làm hàng trực tiếp. Công suất khai thác của cảng này trong năm 2023 đã bằng 115% công suất thiết kế, kéo theo đó thị phần đã lên mức 19,7% tổng thị trường cụm cảng Hải Phòng.
Đáng chú ý, theo TPS Research, áp lực cạnh tranh thị phần tại nhóm cảng hạ nguồn sẽ ngày càng gay gắt khi cảng nước sâu Lạch Huyện hiện đã hoàn thành nạo vét đưa độ sâu trước bến trở lại mức thiết kế và hoạt động ổn định.
(Nguồn: TPS Research)
Đồng thời, bến container số 3 và số 4 tại Lạch Huyện do Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng (mã cổ phiếu PHP) làm chủ đầu tư dự kiến sẽ đi vào khai thác từ năm 2025, thậm chí sớm hơn khi tiến độ thi công thực tế đang vượt kế hoạch đề ra 03 tháng. Hai bến này có khả năng tiếp nhận cỡ tàu container lên đến 160.000 DWT với công suất thông quan đạt 1,1 triệu TEU/năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) đang triển khai và dự kiến đưa Giai đoạn 3 của Cảng Nam Đình Vũ vào hoạt động trong năm 2025. Qua đó, nâng tổng công suất thiết kế của Cảng Nam Đình Vũ lên mức 2 triệu TEU/năm với khả năng tiếp nhận cỡ tàu container lên tới 48.000 DWT – cỡ tàu lớn nhất có thể vào khu vực Đình Vũ, Hải Phòng.
Khi hoàn thiện, cụm Cảng Nam Đình Vũ sẽ là cảng sông lớn nhất và quy mô nhất tại miền Bắc, có thể đón được các tàu feeder, tàu nội Á lớn nhất khu vực cảng sông.
Hưởng lợi từ loạt dự án giao thông và xu hướng dịch chuyển nguồn hàng
(Nguồn: Cảng vụ hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu, TPS Research)
Đối với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, tổng khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong quý 1/2024 ước đạt 19,9 triệu tấn, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản lượng hàng container tăng trưởng tới 54%.
Tính đến cuối năm 2023, cảng Cái Mép – Thị Vải đã thiết lập được 35 tuyến tàu container quốc tế vào cảng hàng tuần (11 tuyến nội Á, 10 tuyến bờ Đông nước Mỹ, 8 tuyến bờ Tây nước Mỹ, 2 tuyến Mỹ – Canada, 4 tuyến châu Âu), tăng 3 tuyến so với cuối năm 2022.
Hiện nay, trên thế giới có 3 liên minh hãng tàu lớn hoạt động, gồm2M, Ocean Alliance, The Alliance, và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang là một trong những cảng lớn mà cả 3 liên minh này đều có tuyến dịch vụ.
(Nguồn: Cảng vụ hàng hải Bà Rịa – Vũng Tàu, TPS Research)
Trong thời gian tới, sản lượng qua cảng Cái Mép – Thị Vải dự kiến sẽ được thúc đẩy nhờ loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn hoàn thành, bao gồm: dự án đường 991B, nối QL51 với khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, dự kiến hoàn thành trong năm 2024; dự án Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu giúp tăng tính liên kết vùng, phát huy tối đa lợi thế của cụm cảng, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2025; dự án cầu Phước An giúp rút ngắn 30 km quãng đường vận chuyển từ miền Tây Nam Bộ, dự kiện hoàn thành vào năm 2027.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển nguồn hàng từ khu vực TP.Hồ Chí Minh ra khu vực cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải vẫn đang diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh cảng Cát Lai của TP.Hồ Chí Minh liên tục trong tình trạng quá tải, khiến thời gian giao nhận và chi phí vận tải tăng cao.
Duy Quang – tapchicongthuong.vn