Trong quý I/2024, xuất khẩu sắt thép của nước ta thu về gần 2,4 tỷ USD với hơn 3,23 triệu tấn, tăng 42% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt gần 1,1 triệu tấn với kim ngạch hơn 834,8 triệu USD, tăng 10% về lượng và tăng 11,4% về trị giá so với tháng 2/2024.
Trong quý I/2024, xuất khẩu sắt thép của nước ta thu về gần 2,4 tỷ USD với hơn 3,23 triệu tấn, tăng 42% về lượng và tăng 40,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu sắt thép các loại trung bình trong 8 tháng đầu năm đạt 739 USD/tấn, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sắt thép các loại xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc ngay từ đầu năm, cho thấy tín hiệu khả quan về ngành thép trong năm 2024.
Về thị trường, trong 3 tháng đầu năm, Italy vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu sắt thép các loại của Việt Nam, thu về gần 299 triệu USD với 483 nghìn tấn, tăng 80,4% về lượng và tăng 64,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đứng sau Italy là thị trường Mỹ và Campuchia, với tổng giá trị xuất khẩu trong quý I lần lượt là 399,6 và 182,8 triệu USD.
Năm 2023 khá thăng trầm với ngành thép khi nhu cầu sụt giảm mạnh khiến sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Sự khởi sắc từ quý cuối cùng của năm trước đã tạo bước chạy đà cho ngành trong năm nay.
Dự kiến trong năm 2024, tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 6,4%, sản lượng xuất khẩu tăng lên gần 13 triệu tấn. Nhu cầu thép của thế giới được dự báo hồi phục mạnh trở lại trong năm 2024, tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, do đó sản xuất thép của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024. Sản xuất thép thành phẩm trong hai năm 2024 và 2025 ước đạt khoảng 28 triệu-30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước khoảng 22 triệu-23 triệu tấn.
Bên cạnh đó, năm 2024 được đánh giá là năm bản lề quan trọng của ngành thép, với kỳ vọng giá thép sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Hơn nữa các Luật Đất Đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)… vừa được thông qua mới đây đã góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các vướng mắc trong quá trình định giá đất, đền bù và giải phóng mặt bằng. Qua đó, giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, mang lại nguồn cung cho thị trường.
Những dự án chủ lực như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành kỳ vọng sẽ hoàn thành trước thời hạn trong giai đoạn 2025 – 2028. Tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng vốn chiếm 14% tổng nhu cầu thép, được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào sự phục hồi của ngành thép.
Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) chỉ ra, nhu cầu thép toàn cầu đã đạt 1,81 tỷ tấn trong năm 2023 và sẽ tăng 1,9% lên mức 1,85 tỷ tấn vào năm 2024. Trong đó, nhu cầu thép của ASEAN kỳ vọng tăng 5,2%.
Huyền My – doanhnghieptiepthi.vn