Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) với dân số gần 8,9 triệu người(1), được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, là đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch lớn của Việt Nam. Đây là một thành phố trẻ mới 300 năm tuổi, toát lên sự năng động, trẻ trung và hiện đại cùng với sự kết tinh và thăng hoa từ nhiều nền văn hóa khác nhau, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã từng bước được phục hồi. Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố, Chương trình “TP.HCM chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City” được bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật của TP.HCM năm 2022. Định vị của điểm đến du lịch TP.HCM trên bản đồ thế giới ngày càng được khẳng định với nhiều giải thưởng uy tín liên tiếp được trao trong năm 2022 như “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á” và “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” của Tổ chức Du lịch thế giới (WTA); Điểm đến du lịch nội địa được yêu thích nhất theo báo cáo của Agoda; Điểm đến hấp dẫn nhất khu vực trong mùa du lịch cao điểm hè (theo Tạp chí Travel & Leisure).
Du lịch tàu biển là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của ngành du lịch trong 40 năm qua. Mặc dù thị trường du lịch tàu biển xuất phát từ các khu vực truyền thống ở Ca-ri-bê và Địa Trung Hải, tuy nhiên những năm gần đây, khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đã có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hai con số do nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường Đông Bắc Á, cụ thể là từ Trung Quốc.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đón nhiều tàu quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới như: Royal Caribbean Cruise Lines, Resort World Cruises… đã đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, Việt Nam đang được xem là thị trường hấp dẫn khi đón nhiều lượt tàu quốc tế cao cấp với lượng khách lên đến hàng nghìn người mỗi chuyến.
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ từ du lịch tàu biển Đông Nam Á, sự phục hồi ngoạn mục của ngành du lịch tàu biển quốc tế, việc TP.HCM có một cảng biển du lịch hoàn chỉnh nhằm tiếp nhận các tàu khách quốc tế là cần thiết, đặc biệt là đối với một trung tâm kinh tế có thế mạnh về du lịch và cảng biển như TP.HCM.
Một đô thị lớn như TP.HCM, với lịch sử lâu đời mang thương hiệu thành phố cảng, cần tiếp tục phát huy những giá trị vốn có để phát triển mạnh mẽ hơn nữa về du lịch, trong đó có ngành du lịch đang phát triển mạnh là du lịch tàu biển.
Cũng như nhiều đô thị lớn trên thế giới như London (Anh), Hamburg (Đức), New Jersey (Mỹ),… việc di dời các cảng hàng hóa ra khỏi nội đô và cải tạo chuyển đổi công năng các cảng hàng hóa cũ thành các cảng du lịch hay khu bến du thuyền, đồng thời với việc cải tạo, chỉnh trang không gian cảnh quan khu vực cảng phục vụ du lịch là tất yếu.
Khu bến Nhà Rồng – Khánh Hội là một phần của lịch sử của vùng đất Sài Gòn – Gia Định ngày xưa và TP.HCM ngày nay, gắn liền với sự phát triển của một đô thị cảng đã rất nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á.
Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn” vào chiều ngày 18/8 do Báo Nhân dân tổ chức đã thu hút sự tham gia và đóng góp ý kiến của rất nhiều lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo, đài cùng các chuyên gia, kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu uy tín và nhiều kinh nghiệm trong các ngành liên quan.
Qua hội thảo, cho thấy việc chuyển đổi công năng bến cảng Nhà rồng – Khánh hội thành cảng hành khách quốc tế có quy mô hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hành khách và du lịch bằng đường biển, đường thủy của TP.HCM nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia.
Tiến sĩ Trần Du Lịch nêu rõ quan điểm: “Nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng – Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển để đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ. Nếu giữ nguyên thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 thấp thì Thành phố Hồ Chí Minh đã làm mất đi lợi thế của một khu vực đẹp nhất và hiếm có để làm kinh tế ven sông, kinh tế ban đêm”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn hy vọng có những giải pháp mở, giúp việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 có tĩnh không đủ để tàu lớn vào đồng thời tận dụng và phát huy tĩnh không hiện nay sẵn có của cầu Phú Mỹ là 45m để các tàu du lịch, tàu khách lớn có thể vào sâu trong khu vực cảng. Ông mong muốn lãnh đạo Thành phố nghiên cứu và đưa ra phương án tĩnh không cầu Thủ Thiêm phù hợp để tiếp tục khai thác và duy trì một thương cảng đã có lịch sử rất lâu đời.
Vừa qua, sự kiện “Lễ hội Sông Nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023” từ ngày 04 đến 06/8/2023 lần đầu tiên do UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức, Sở Du lịch chủ trì phối hợp Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM và các sở, ngành triển khai thực hiện đã thu hút sự quan tâm chú ý của mọi người. Đặc biệt là chương trình “Sài Gòn – Dòng sông kể chuyện” – một chương trình thực cảnh đầu tiên của TP.HCM tái hiện lại câu chuyện lịch sử của một Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM trải dài theo chiều không gian và thời gian. Một dòng chảy lịch sử 300 năm của vùng đất này được kể trong 5 chương nghệ thuật Khẩn hoang – Mở cõi – Trên bến dưới thuyền – Hòn ngọc Viễn Đông – Rực rỡ Thành phố bên sông đã mở ra một cái nhìn mới về TP.HCM, một thành phố hào hùng anh dũng trong lịch sử nhưng cũng rất vẻ vang trong tương lai với niềm tin hy vọng tràn đầy. Với tính hấp dẫn đó, dự kiến Lễ hội sẽ được tổ chức thường niên tại TP.HCM nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến thưởng thức.
Cho đến ngày nay, để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành hàng hải với đội tàu chở hàng ngày càng lớn về kích thước và tải trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị của TP.HCM, cần di dời chức năng bốc xếp hàng hóa ra khỏi nội đô, nhiều bến cảng mới đã được xây dựng. Quy hoạch di dời cảng trên sông Sài Gòn được Chính phủ phê duyệt cũng xác định sẽ chuyển đổi công năng các bến cảng hiện hữu khu bến Nhà Rồng – Khánh Hội.
Tại Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 về việc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định quy hoạch khu bến trên sông Sài Gòn với chức năng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM và vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, bến khách, hàng lỏng; thực hiện di dời, chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TP.HCM. Cỡ tàu trọng tải đến 30.000 tấn hoặc lớn hơn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác của luồng hàng hải và tĩnh không thông thuyền công trình vượt sông.
Song trong những năm qua, các tàu khách quốc tế đến khu vực TP.HCM đều phải cập tạm vào các bến cảng hàng hóa. Việc đón trả hành khách tại các bến hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu về an toàn, an ninh hàng hải, đồng thời làm giảm sức hấp dẫn đối với du khách đến Việt Nam bằng đường biển. Nên chăng, đã đến lúc dự án Cảng du lịch quốc tế Nhà Rồng – Khánh Hội thành hiện thực, hình thành khu bến khách và bến du thuyền ngay trung tâm thành phố, thuận tiện cho khách du lịch mua sắm, tham quan, trãi nghiệm các dịch vụ ăn uống…vừa phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt vừa giữ lại được giá trị lịch sử thương cảng Sài Gòn hàng trăm năm qua. Với một khu bến khách quốc tế hiện đại dọc theo khu Nhà Rồng – Khánh Hội sẽ góp phần cải tạo cảnh quan đô thị thành phố, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM nói riêng, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung.
(1) Theo số liệu của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM tính đến ngày 1/6/2023.