Đảm bảo an toàn cho thuyền viên duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa
Chiều nay (30/9), Cục Hàng hải VN phối hợp với Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) tổ chức hội nghị trực tuyến hưởng ứng Ngày Hàng hải thế giới năm 2021 với chủ đề: “Thuyền viên là giá trị cốt lõi của tương lai ngành vận tải biển”.
Một trong những vấn đề “nóng” nhất hội nghị là vấn đề tiêm vaccine cho thuyền viên, đảm bảo an toàn cho lực lượng đang ngày đêm duy trì các tuyến vận tải biển, giúp chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu được xuyên suốt.
Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang cùng lãnh đạo VIMC chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Tổng công ty hàng hải Việt Nam
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC, đơn vị đang sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước (gần 70 tàu) với hơn 4.000 thuyền viên cho biết, từ khi Covid-19 bùng phát đến nay đã có 21 thuyền viên của VIMC trên tổng số hàng trăm thuyền viên Việt Nam bị nhiễm Covid-19.
Tính đến nay, có gần 6.200 thuyền viên Việt Nam được tiêm vaccine Covid-19 (5.007 thuyền viên được tiêm mũi; 1.191 thuyền viên được tiêm mũi 2). Trong đó, số thuyền viên đang làm việc trên tàu được tiêm vaccine là hơn 4.800 người, số lượng thuyền viên dự trữ tại địa phương là gần 1.400 người.
Công tác chữa trị chỉ dựa vào sự tự thân và trông chờ vào tư vấn từ xa của các cơ sở y tế. Quá trình làm việc rất khó khăn và khắc nghiệt.
“Hiện, Tổ chức Hàng hải Quốc tế đã có thông tri kiến nghị các quốc gia thành viên công nhận thuyền viên là nguồn lao động chủ chốt; Đồng thời, ban hành nhiều nghị quyết về việc tạo thuận lợi cho việc thay đổi thuyền viên, tiếp cận chăm sóc y tế và di chuyển trong đại dịch.
VIMC mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện hơn nữa để thuyền viên Việt Nam có được thuận lợi trong việc thay thế, hồi hương, tiêm chủng vaccine,.. để bảo vệ người đi biển”, ông Tĩnh nói.
Theo đại diện Công ty Vận tải biển Biển Đông, thời gian qua, Cục Hàng hải và các cảng vụ đã nỗ lực hỗ trợ, phối hợp cùng chủ tàu lập danh sách thuyền viên có nhu cầu tiêm vaccine phòng dịch Covid-19.
Tuy nhiên, khó khăn đối với đội tàu vận tải container hiện nay là thời gian vào cảng chỉ hơn 10 tiếng. Thuyền viên đến cảng nếu tiêm vaccine phải di chuyển đến khu vực chỉ định, thời gian cho công tác tiêm chủng có thể không phù hợp với thời gian tàu ở cảng.
“Trước thực trạng đó, doanh nghiệp kiến nghị Cục Hàng hải VN báo cáo Bộ GTVT có ý kiến đề nghị các địa phương bố trí lực lượng triển khai tiêm vaccine khi tàu đến tiêm tại cảng, tại tàu, tạo thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận vaccine cho thuyền viên”, vị này đề xuất.
Các cơ quan chức năng Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho thuyền viên đi lại trong mùa dịch, tiêm vaccine phòng dịch để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế đất nước – Ảnh minh họa
Đề xuất cơ chế bố trí gói vaccine riêng cho thuyền viên
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, thuyền viên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho rằng, ngày Hàng hải năm 2021 với chủ đề “Thuyền viên là giá trị cốt lõi của tương lai ngành vận tải biển” được gắn kết chặt chẽ với chủ đề của ngày Thuyền viên thế giới là minh chứng rõ nét cho sự trân trọng, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ thuyền viên và sự cam kết quốc tế về đảm bảo quyền lợi cho thuyền viên.
Theo ông Giang, là cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, Cục Hàng hải VN đã và đang tích cực triển khai các giải pháp khuyến nghị của IMO, đề xuất nhiều giải pháp tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động vận tải biển và thuyền viên.
Một trong những giải pháp có thể kể đến là: gửi thư đề xuất trực tiếp đến Tổng thư ký IMO về việc khuyến nghị mạnh mẽ các quốc gia thành viên đưa thuyền viên thuyền viên vào danh sách đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine; kiến nghị Bộ GTVT các chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thuyền viên như: miễn trừ một số khoản phí, lệ phí, ưu tiên tiêm vaccine và tạo thuận lợi trong công tác thay thế/hồi hương thuyền viên.
“Về lâu dài, Cục Hàng hải sẽ tiếp tục đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có cơ chế bố trí gói vaccine riêng cho thuyền viên.
Tuy nhiên, giai đoạn trước mắt, các doanh nghiệp vận tải biển cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cảng vụ hàng hải khu vực đề xuất địa phương bố trí nguồn, phủ vaccine cho thuyền viên để duy trì lực lượng chớp những cơ hội tốt từ thị trường trong và sau dịch”, ông Giang nói và cho biết, việc thay thế/hồi hương thuyền viên ở nước ngoài, các doanh nghiệp cần thống kê chi tiết số lượng thuyền viên có nhu cầu, lịch trình dự kiến rõ ràng để Cục Hàng hải có cơ sở cụ thể đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Bộ Ngoại giao có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
Tại hội nghị, một số vấn đề như: một số chủ tàu gây khó cho thuyền viên trên hệ thống quản lý dữ liệu, không cho thuyền viên đi tàu khác khai thác, vấn đề xây dựng hệ thống quản lý giúp chủ tàu sàng lọc được thuyền viên yếu kém, lựa chọn được nhân lực tốt,… cũng được nhiều chủ tàu quan tâm và đề xuất Cục Hàng hải VN có chính sách quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Nguồn: baogiaothong