Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong Kế hoạch, chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điểm đáng chú ý lại quyết định này là bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào các kế hoạch thực hiện.
Trong đó, đối với nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải, sẽ nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn áp dụng chính sách cảng mở tại khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải, Vân Phong và khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Với việc bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong quy hoạch, quyết định cũng điều chỉnh tổng nhu cầu sử dụng đất theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 33.600ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước đến năm 2030 dự kiến là 606.000ha (chưa bao gồm diện tích vùng đất, vùng nước của khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ).
Nhu cầu sử dụng đất, mặt nước khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ xác định trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng được đưa vào danh mục các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư được xác định trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao khu nước vùng nước và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án được thực hiện tại Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án nhằm xây dựng và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và các dịch vụ khác. UBND TP.HCM được giao nhiệm vụ xác định các sản phẩm và dịch vụ cụ thể để đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế.
Vốn đầu tư sẽ được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện dự án và Đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư để ghi nhận trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày Quyết định chủ trương đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý chỉ được thực hiện sau khi dự án đã phù hợp với quy hoạch các cấp và được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác có liên quan. Đồng thời, hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như hoàn thành thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc thay đổi nhà đầu tư sau thời gian này thực hiện theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND TP.HCM.
Cùng đó, dự án chỉ được thực hiện khi được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trong trường hợp phát sinh các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh trong quá trình thực hiện dự án và trong trường hợp chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức thực hiện dự án.
Hồ An – baogiaothong.vn