Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” được kỳ vọng tạo ra “Bước đột phá” cho Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố), khai thác tối đa tiềm năng, đồng thời mở đường cho các cơ chế, chính sách của Thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Trong Nghị quyết, những nhóm cơ chế, chính sách đặt thù phát triển Thành phố gồm có: về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và thành phố Thủ Đức.
Về quản lý đầu tư, thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận Thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, Thành phố được áp dụng loại hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao; Thành phố được áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao).
Về tài chính, ngân sách nhà nước, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa bàn Thành phố; hỗ trợ địa phương khác trong nước, hỗ trợ địa phương tại quốc gia khác trong trường hợp cần thiết. Đây là những cơ chế, chính sách ảnh hưởng tích cực đến giao thông đường bộ của Thành phố nói chung và trực tiếp tác động đến hiệu quả hoạt động của Cảng Sài Gòn nói riêng, nhất là về giao thông đường bộ đi và đến các bến cảng của Cảng Sài Gòn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố, trong Danh mục có “Đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên”. Đây chính là dự án mà Cảng Sài Gòn đang cùng với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và đối tác là Tập đoàn MSC/TiL đẩy nhanh các thủ tục trình cấp thẩm quyền sớm phê duyệt dự án; phấn đấu năm 2024 triển khai thi công dự án.
Với những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là cho phép thí điểm những mô hình mới, cách làm mới, Cảng Sài Gòn trân trọng đánh giá cao những thuận lợi mà Nghị quyết 98 mang lại cho đơn vị và tin rằng Thành phố sẽ tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng sẵn có để phát triển vượt bậc. Đây là chìa khóa quan trọng không chỉ cho Thành phố phát triển mà còn thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam cũng như lan tỏa khắp cả nước. Có được những thuận lợi quý báu này, Ban lãnh đạo Cảng Sài Gòn đã tỏ ý chân thành cảm ơn UBND Thành phố đã luôn giúp đỡ và hỗ trợ Cảng Sài Gòn trong việc định hướng, xin chủ trương, kế hoạch đầu tư phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Tác giả: CHƯƠNG PHẠM