Trong Hội nghị Đại biểu Người lao động năm 2024 Công ty Cp Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn) vừa qua, ông Huỳnh Văn Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị đã kêu gọi sự đồng lòng của toàn thể CB.CNV cùng tiến ra biển lớn, cùng nhau hướng về dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ vì đây là dự án trọng điểm của TP.HCM và cả khu vực Phía Nam.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ là sự liên kết đầu tư giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) – Cảng Sài Gòn và hãng tàu lớn nhất thế giới MSC. Dự án có quy mô đầu tư xây dựng với tổng chiều dài cầu cảng dự kiến khoảng 7,0 km và bến sà lan 2,0 km; diện tích khu đất 571 ha trong đó cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật… khoảng 469,5 ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5 ha. Dự án định hướng phát triển cảng xanh, các thiết bị vận hành bốc xếp container sẽ sử dụng thiết bị hiện đại chạy bằng năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.
Khi đi vào hoạt động, cảng khai thác tàu vận tải container lên đến 250.000 DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 – 65.000 DWT (750 – 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 T (356 Teu). Công suất dự kiến đến 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến 2047 đạt 16,9 triệu Teu. Dự án gồm 07 giai đoạn (từ 2023 đến 2045), giai đoạn 1 & 2 triển khai năm 2024 – 2027, các giai đoạn còn lại sẽ triển khai sau năm 2030. Dự kiến năm 2027 đưa vào khai thác. Sơ bộ tổng mức đầu tư: 113 ngàn tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD).
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn, vào tháng 12/2023, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng chính phủ hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2031-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, quy hoạch bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ vào nhóm cảng biển TP.HCM (thuộc nhóm cảng biển số 4) và nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư. Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ có phạm vi quy hoạch tại vùng đất và vùng nước tại cửa sông Cái Mép (bên trái luồng Vũng Tàu – Thị Vải).
Khi cảng hình thành, dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 – 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics, đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 – 40.000 tỉ đồng/năm, tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistic, thương mại, tài chính và ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Dự án sẽ góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu chi phí trung gian. Ngoài ra, dự án còn bổ sung tiềm năng của hệ thống cảng hiện hữu, tương hỗ, khai thác tốt nhất tiềm năng của cụm cảng biển số 4. Là cơ hội đưa khu vực này (bao gồm cả khu Cái Mép – Thị Vải) trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế tầm cỡ thế giới.
Dự án quy mô tầm cỡ khu vực này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời giúp TP.HCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển.
Với chính sách phát triển dịch vụ logistics của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như việc Thành phố có định hướng đầu tư kết nối hệ thống hạ tầng giao thông với Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ sẽ góp phần phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển nâng cao vị thế cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ trong ngành logistics.
Theo phương châm của Cảng Sài Gòn: Kết nối đối tác, Chia sẻ nguồn lực, Phục vụ khách hàng, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ các hạ tầng, phương tiện… Cảng Sài Gòn với định hướng liên minh khai thác hạ tầng, hợp tác đầu tư hoặc cung cấp tư vấn phát triển quản lý khai thác với các ICD sẵn có Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Hậu Giang và Cần Thơ. Cảng Sài Gòn sẵn sàng đóng góp ý kiến, tư vấn phát triển, nghiên cứu hình thức đầu tư Trung tâm Logistics Hiệp Phước, Nhơn Trạch, Cần Giờ, trong qui hoạch kết nối chuỗi logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua hệ thống các cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép và tương lai của Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.
Bên cạnh đó, ông Tâm còn trăn trở việc di dời khu bến cảng Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội – Quận 4 và sắp tới là di dời khu bến cảng Tân Thuận tại Quận 7 khi Thành phố xây cầu Thủ Thiêm 4 sẽ tạo ra thách thức lớn về việc giữ vững được thị phần hàng hóa của Cảng Sài Gòn và công ăn việc làm của hàng trăm lao động mặc dù hiện nay cảng đã vận hành khai thác tại Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Qua đây, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền về cơ chế, chính sách di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn, hỗ trợ cho doanh nghiệp di dời và kiến nghị việc di dời khu bến cảng Tân Thuận được thực hiện đồng bộ với việc triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ, hoàn tất di dời khu bến cảng Tân Thuận cùng thời điểm với việc đưa Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ vào khai thác. Đồng thời, Cảng Sài Gòn đang xây dựng đề xuất phát triển tại Khu vực Cảng Tân Thuận theo Qui hoạch của TP.HCM và Quận 7. Theo đó, Cảng Sài Gòn đề xuất chuyển đổi công năng khu bến cảng Tân Thuận thành Trung tâm phân phối hàng hoá, bao gồm các dịch vụ khai thác cầu cảng; kho lạnh; kho lưu trữ bảo quản hàng hoá cao cấp phân phối cho các khu đô thị, trung tâm thương mại, siêu thị…; vận hành khai thác trung tâm thương mại, siêu thị bán sỉ… Cảng Sài Gòn đề nghị sẽ thực hiện đầu tư mới hệ thống kho, trung tâm phân phối (Distribution Center) và các công trình phụ trợ, chỉnh trang cảnh quan khu vực đáp ứng yêu cầu của một trung tâm phân phối xanh, hiện đại, đồng thời đánh giá lại hiện trạng các kho hiện hữu, đánh giá khả năng cải tạo, phục chế hoặc tháo dỡ xây dựng mới các kho hiện hữu để thay đổi mục đích sử dụng cho thương mại theo xu hướng hiện đại như các mô hình Bass Pro Shops, Chatuchak Market,…
Tất cả các đề xuất trên nhằm đảm bảo cuộc sống, công ăn việc làm của người lao động đang công tác trên bến Cảng Sài Gòn và góp phần vào sự phát triển của TP.HCM nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn kết luận.
Lê Vương Đoan Tú