Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải TP HCM kiến nghị sớm xây cảng khách quốc tế chuyên dụng ở Cần Giờ, để phát triển giao thông đường thuỷ, thu hút khách du lịch.
Đề xuất được ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP HCM, đưa ra tại Hội nghị phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy, ngày 14/12. TP HCM có hơn 900 km đường thuỷ, tương đương 50% mạng lưới đường bộ. Hệ thống sông, rạch cũng kết nối nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, cả giao thông và du lịch đường thuỷ trên địa bàn được đánh giá phát triển chưa tương xứng.
Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, tháng 10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo ông Nam, doanh nghiệp có xu hướng đầu tư nhiều tàu biển chở được nhiều khách, hàng hóa, giúp giảm chi phí. Vài năm gần đây, tàu khách quốc tế cỡ lớn đến TP HCM tăng, song không vào được nội đô vì vướng tĩnh không cầu Phú Mỹ. Đây là cầu dây văng vượt sông Sài Gòn, tĩnh không thông thuyền 45 m – cao nhất ở thành phố nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng. Điều này khiến các tàu phải cập tạm ở cảng hàng hóa bên ngoài, gặp nhiều khó khăn khi phục vụ khách.
“Ngoài tĩnh không cầu, trên các tuyến sông ở thành phố còn vướng đường điện với chiều cao 55 m, nên chỉ tàu thấp hơn mới có thể đi qua”, ông Nam nói và cho rằng thành phố nên sớm xây cảng hành khách quốc tế chuyên dụng ở huyện Cần Giờ như quy hoạch. Nơi này nhiều tiềm năng, lợi thế về giao thông đường thuỷ cũng như du lịch nên khi xây cảng sẽ hình thành đầu mối lớn, không chỉ giúp TP HCM mà cả khu vực phát triển.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ duyệt năm ngoái, cảng biển Cần Giờ gồm nhiều loại như bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế. Quy hoạch của cảng có thể phục vụ tàu trọng tải đến 150.000 tấn, tàu khách loại 225.000 GT (tổng dung tích trên tàu).
Buýt sông ở TP HCM – một trong tuyến vận tải thuỷ ở TP HCM. Ảnh: Gia Minh
Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển, cho rằng tĩnh không cầu Phú Mỹ chỉ đáp ứng tàu tải trọng tối đa 45.000 DWT (trọng tải toàn phần), sức chứa 1.800-2.000 khách. Chưa kể sắp tới thành phố sẽ xây cầu Thủ Thiêm 4 tĩnh không thấp hơn nên sông Sài Gòn đoạn qua trung tâm thành phố tương lai chỉ có thể cho tàu, du thuyền cỡ nhỏ hoạt động.
Theo ông Tuấn, phía Bà Rịa – Vũng Tàu đang triển khai một bến khách quốc tế đáp ứng tàu sức chở 6.500 người. Do vậy, TP HCM không xây cảng ở Cần Giờ có thể dành các sông, rạch khu nội đô cho tàu nhỏ, còn tàu cỡ lớn sẽ cập bến ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, việc này có hạn chế là khách đi các tour du lịch giữa hai địa phương mất thời gian hơn, cần được tổ chức tốt, đồng bộ.
Trước đó, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Hoà An cho rằng hệ thống cầu bắc qua sông ở địa bàn hầu hết tĩnh không thấp, gây khó khăn lớn cho việc phát triển đường thuỷ. Tuy nhiên việc nâng cao tĩnh không cầu đang gặp khó khăn do thiếu vốn. Ngoài ra, phát triển giao thông, du lịch đường thủy ở thành phố còn nhiều bất cập về vị trí quy hoạch cảng, tuyến sông, quy mô, cỡ tàu, công suất… Hệ thống bến bãi đang thiếu so với nhu cầu, chưa kể các dịch vụ kèm theo cũng hạn chế.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nói tại hội nghị, ngày 14/12. Ảnh: Gia Minh
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp để từng bước giải quyết khó khăn, giúp phát triển giao thông, du lịch đường thuỷ. Tuy nhiên, ông cho rằng quá trình triển khai, từng vấn đề phải đặt trong tổng thể để ưu tiên chứ không thể làm dàn trải. Trong đó, thành phố sẽ tập trung giải quyết trước một số trở ngại như: hệ thống cầu bến, ô nhiễm trên sông, rạch.
Ngoài ra, thành phố sẽ đẩy nhanh các dự án như cầu Nam Lý, dự án chống ngập do triều… để khơi thông các tuyến đường thủy. Các cầu thấp như Bình Triệu, Bình Phước… đang được tính toán nâng tĩnh không để thuận tiện cho tàu thuyền chạy qua. Thành phố sẽ nghiên cứu xây cảng khách quốc tế ở vị trí phù hợp.
vnexpress