Thu hút hàng về các cảng biển lớn của Việt Nam xuất đi Châu Âu và Mỹ
Trong bối cảnh vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài, việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế là mục tiêu quan trọng đặt ra hiện nay.
Tại dự thảo mới về Đề án phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam, Cục Hàng hải VN nhận định, Việt Nam khó có thể phát triển được đội tàu container để khai thác ở tuyến xa được trong giai đoạn tới đây mà chỉ có thể bắt đầu với việc tăng cường thiết lập khai thác các tuyến nội Á để thu hút hàng về các cảng biển lớn của Việt Nam xuất đi Châu Âu và Mỹ.
Đội tàu Việt Nam được đánh giá khó để phát triển tuyến xa, nên trước mắt tập trung tuyến nội Á
Cơ quan này cũng cho rằng việc phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế cần chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn trước mắt (2022 – 2026), cần đổi mới về cơ chế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính.
Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về vận tải biển, tạo ra hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trước mắt, tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong giai đoạn này cũng cần xây dựng quy phạm tàu biển ven bờ cho tàu biển vận tải hàng hóa chạy ven theo bờ biển của Việt Nam và các nước trong khu vực; Sửa đổi các quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 theo hướng chủ tàu có quyền lựa chọn tổ chức đăng kiểm uy tín phù hợp trong quá trình hoạt động và khi mua bán tàu. Quy định về việc cấp phép cho tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam cũng cần sửa đổi theo hướng Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định việc cho phép treo cờ quốc tịch Việt Nam với tàu biển vận tải hàng container thuộc trường hợp đặc biệt nhưng không quá 17 tuổi.
Song song đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, tham gia các công ước quốc tế, hiệp định vận tải song phương, đa phương; Hỗ trợ về thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đại lý ra nước ngoài; nâng cao vai trò của các hiệp hội chuyên ngành; Áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế cho các doanh nghiệp khi mua tàu biển có sử dụng vốn của nhà nước để phù hợp với thực tiễn hoạt động mua bán tàu biển.
Về tài chính, Cục Hàng hải VN đề xuất cho phép không áp dụng thuế VAT (10% theo quy định hiện nay) khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026.
Cùng đó, miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 Teus trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG… và các tàu chở LNG.
Chủ hàng của lô hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hợp đồng mua FOB hoặc bán CIF (không phân biệt nguồn gốc tài chính) nếu có hợp đồng vận tải với đội tàu biển Việt Nam thì được xem xét giảm thuế xuất nhập khẩu; khuyến khích các chủ hàng Việt Nam thay đổi phương thức mua CIF bán FOB sang mua FOB bán CIF.
Bên cạnh đó, kiến nghị giảm 50% thuế thu nhập cá nhân với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển vận tải hàng hóa hoạt động tuyến nội địa có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên.
Nhắm đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ
Trong giai đoạn 2026 – 2030, Cục Hàng hải VN cho rằng cần tập trung xây dựng mô hình quản lý vận tải biển phù hợp để nâng cao công tác quản lý nhà nước về hàng hải với lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải.
Ở giai đoạn 2, Cục Hàng hải VN đề xuất xây dựng mô hình quản lý vận tải biển phù hợp
Trong giai đoạn này, Cục Hàng hải VN kiến nghị tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến Châu Âu và Mỹ.
“Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính… tăng năng lực cạnh cạnh với các hãng tàu nước ngoài”, Cục Hàng hải VN khẳng định.
Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm túc và tiên phong trong việc triển khai thực hiện các Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26); Tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ các chủ tàu thực hiện chuyển đổi tàu biển hiện có sang tàu biển dùng nhiên liệu sạch theo lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.
Về chương trình đào tạo thuyền viên, Cục đề xuất tiếp tục theo yêu cầu của Công ước STCW 78 sửa đổi 2010 và các Chương trình mẫu của IMO (IMO Model course). Đồng thời, triển khai chương trình đào tạo sỹ quan thuyền viên không qua cấp đào tạo đại học, cũng như đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, đóng mới, sửa chữa hoán cải tàu biển.
baogiaothong