Chậm nhất đầu 2023 sẽ khởi công dự án
Liên quan tới tiến độ dự án nâng cấp tuyến luồng hàng hải Cái Mép – Thị Vải, đại diện Ban Quản lý dự án hàng hải cho biết hiện đang tiến hành rà soát hồ sơ mời thầu để triển khai công tác đấu thầu lựa chọn tư vấn.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nâng cấp tuyến luồng hàng hải Cái Mép – Thị Vải đã được phê duyệt. Ảnh minh họa
Cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, vị này cũng cho hay “đang đợi làm thủ tục cấp giấy phép khu vực biển và nhận chìm. Về cơ bản, các thủ tục vẫn đang tiến hành bình thường và đang đẩy nhanh tiến độ.
Theo dự kiến, dự án sẽ lựa chọn được nhà thầu thi công trong năm nay và nếu điều kiện thuận lợi sẽ khởi công vào cuối năm 2022. Tùy tình hình thực tế, dự án có thể khởi công sớm hoặc lùi sang đầu năm 2023”.
Trước đó, ngày 9/8 vừa qua, Bộ GTVT vừa phê duyệt Dự án đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép. Tổng mức đầu tư dự án 1.414 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, vốn giải ngân năm 2022 khoảng 274 tỉ đồng, năm 2023 khoảng 494 tỉ đồng, năm 2024 khoảng 395 tỉ đồng, năm 2025 khoảng 79 tỉ đồng và trên 171 tỉ đồng cho chi phí dự phòng.
Dự án nhằm hình thành và phát triển cảng đầu mối cửa ngõ quốc tế, thu hút hàng hóa trung chuyển trong khu vực.
Đáp ứng tàu 200.000 DWT khai thác một chiều
Theo chủ trương của Bộ GTVT, dự án sẽ đầu tư đoạn luồng từ phao số “0” đến thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) cho tàu 160.000 DWT đủ tải (cho phép tránh nhau với tàu đến 50.000 DWT), tàu 120.000 DWT khai thác hai chiều và tàu 200.000 DWT/18.000 TEU giảm tải hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải) khai thác một chiều.
Việc nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải sẽ giúp các bến cảng container nâng cao hiệu suất khai thác, đón được tàu kích cỡ lớn
Đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) đến thượng lưu bến cảng container Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) cho tàu 120.000 DWT đủ tải (cho phép tránh nhau với tàu đến 60.000 DWT), tàu 100.000 DWT khai thác hai chiều và tàu 160.000 DWT giảm tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.
Cùng đó, đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng container Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) đến bến cảng khởi động Phước An cho tàu 60.000 DWT đầy tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.
Trong việc cải tạo mở rộng luồng tàu, đoạn luồng từ phao số “0” đến cảng CMIT có chiều dài nâng cấp 30,5 km bề rộng đáy luồng 350 m và cao độ đáy -15,5 m. Đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng CMIT đến thượng lưu bến cảng Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) có chiều dài nâng cấp 3,2 km, bề rộng đáy luồng 250m – 310 m và cao độ đáy luồng -14 m.
Đoạn luồng từ Tân cảng Cái Mép TCIT và TCCT đến cảng Phước An cho tàu đến 60.000 DWT đầy tải khai thác 1 chiều.
Ngoài ra, dự án điều chỉnh, thiết lập các vùng nước, thiết lập tuyến chạy tàu bên phải tuyến nước sâu, rộng 100m cho tàu trọng tải đến 10.000 DWT hành trình một chiều vào cảng; tuyến chạy tàu bên trái tuyến nước sâu, rộng 200m cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT hành trình một chiều rời cảng.
Cùng đó, điều chỉnh kết nối cục bộ tuyến bên phải tuyến nước sâu với tuyến luồng sông Dinh và tuyến bên trái tuyến nước sâu với tuyến luồng Sài Gòn – Vũng Tàu, cũng như điều chỉnh vị trí một số vùng đón trả hoa tiêu, một số ví trí điểm neo đậu và vị trí một số phao báo hiệu giới hạn biên luồng hiện hữu từ khu vực phao “0” luồng Vũng Tàu – Thị Vải đến khu vực cảng Phước An.
baogiaothong