Sáng ngày 19/10/2023, hội nghị lấy ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Đề án) đã được diễn ra tại trụ sở UBND TP.HCM. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Xuân Sang – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Về phía khách mời có các đại diện của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về kinh tế, quy hoạch, các nhà quản lý khai thác cảng biển trong và ngoài nước,…
Đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tham gia Hội nghị bao gồm: ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Lý Quang Thái – Trưởng ban Đầu tư. Về phía đoàn Công ty CP Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn) có ông Huỳnh Văn Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng giám Đốc, ông Nguyễn Uyên Minh – Phó Tổng giám đốc, ông Phạm Trường Giang – Phó Tổng giám đốc, ông Nguyễn Văn Thanh, ông Lê Đức Nghĩa, ông Chu Ngọc Sơn, bà Trần Thị Thu Thương, ông Nguyễn Văn Dũng – các thành viên Ban Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đánh giá đây là hội nghị quan trọng nhằm lắng nghe ý kiến các đại biểu để hoàn thiện Đề án, từ đó Thành phố có báo cáo chi tiết hơn để trình Chính phủ. Ông cũng nhấn mạnh, “Thành phố không đánh đổi mọi giá để thực hiện dự án mà cân nhắc lợi ích hài hòa về lợi ích phát triển, tài nguyên môi trường, phát triển bền vững, không xem xét đơn thuần hiệu quả đầu tư tài chính mà đặt trong xu hướng phát triển chung của Thành phố, theo vùng, theo đất nước. Tuy nhiên, không chỉ đặt vấn đề bảo vệ môi trường mà bỏ qua cơ hội phát triển mà cần có sự hài hòa để phát triển. Việc cân nhắc lựa chọn để yên hay phát triển các dự án đều có sự đánh đổi, nhưng sự đánh đổi đó phải mang lại hiệu quả lớn nhất và hậu quả ít nhất, nên Thành phố mong lắng nghe ý kiến sâu sắc của đại biểu qua hội nghị này”.
Cuối cùng, Chủ tịch UBND TPHCM nêu rõ, sự quan tâm của đông đảo mọi người là dự án có tác động ra sao đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Đối với vấn đề này, TPHCM sẽ không làm Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ bằng mọi giá, bất chấp và bỏ qua các tác động thấy rõ.
Cũng tại hội nghị, TS Trần Du Lịch cho biết, cảng Cần Giờ mới đang ở giai đoạn xin chủ trương, bổ sung quy hoạch, chặng đường tiếp theo để hình thành dự án còn rất dài. Tuy nhiên, đây là giai đoạn rất quan trọng để tránh các vấn đề khác sau này. “Khi mới nghe về dự án, quan điểm của tôi là không đụng đến khu dự trữ sinh quyển. Tuy nhiên, khi tiếp cận dự án từ trên không và đường thủy, tôi ủng hộ. Việt Nam đến nay vẫn không có cửa ngõ nào, xuất, nhập khẩu đều gặp khó, hệ thống logistics đã quá tải”.
Cuối cùng, TS Trần Du Lịch dẫn lại Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM nêu rõ, cảng Cần Giờ thuộc nhóm đầu tư chiến lược, thành phố cần thu hút nhà đầu tư đúng quy định, có cách ứng xử khác với các nhà đầu tư còn lại. TPHCM không nên đánh mất cơ hội này vì nếu mất sẽ không tìm lại được.
Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Đình Thiên nêu rõ, việc đầu tư phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là vấn đề hệ trọng của quốc gia. Đây là cơ hội lịch sử của đất nước nên các đơn vị liên quan cần thể hiện quyết tâm lớn.
“Đây thực sự là thời cơ của Việt Nam trong thời điểm này, chúng ta đừng thong thả nữa mà cần chớp thời cơ mang tính lịch sử thời đại. TPHCM cũng rất thẳng thắn, sẵn sàng tiếp nhận mọi vấn đề một cách thấu đáo để xem xét. Nếu chúng ta chậm một nhiệm kỳ thì thế giới đã đi đến đâu”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.
Ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC cho rằng:“Nếu chúng ta muốn phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, giao dịch hàng hóa sôi động (hàng hóa chủ yếu vận chuyển bằng container) thì vấn đề là phải phát triển cảng trung chuyển quốc tế. VIMC và đối tác MSC đã bắt đầu thăm dò các khu vực cả nước, có thể nói là điều kiện tốt nhất để phát triển cảng trung chuyển quốc tế chỉ có khu vực Cần Giờ. Khu vực Cần Giờ có phát triển được thì sẽ tạo bước đột phá, khởi động cả khu vực Cái Mép – Thị Vải phát triển vì cho đến nay lượng hàng hóa trung chuyển quốc tế mà hãng tàu quan tâm đưa tàu vào Cái Mép – Thị Vải gần như là không có. Cho nên nếu chúng ta thu hút được hãng tàu đầu tiên vào, hãng tàu thứ hai, thứ ba, thứ tư sẽ chú ý đến chúng ta hơn. Vì vậy bước phát triển đầu tiên này vô cùng quan trọng.”
Cũng theo ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistic (VLA): “Thay mặt cộng đồng logistics Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự án này. Đây là cơ hội phát huy tiềm năng kinh tế biển TP.HCM, chúng ta có một tiềm năng kinh tế biển nhưng chưa phát triển mạnh mẽ. Vấn đề còn lại là chúng ta phải có những chuyên gia giải quyết những xung đột để dự án có thể được tiến hành. Tiến độ của dự án này được đẩy nhanh hay không phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của TP.HCM.”
Cuối buổi thảo luận, Chủ tịch UBND TPHCM kết luận: “Chúng ta có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn để hoàn thiện Đề án, thống nhất triển khai dự án này. Nói như PGS. TS Trần Đình Thiên đây là cơ hội lịch sử. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò sứ mệnh, nếu chúng ta thực hiện thành công sẽ đưa Việt Nam tham gia vào mạng lưới vận tải hàng hóa toàn cầu, sẽ nâng năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam”. Qua đó, TP.HCM kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo xúc tiến nhanh thủ tục điều chỉnh quy hoạch cảng, tính toán lại tên của quy hoạch cảng này. TP.HCM cũng giao cho Sở GTVT, đơn vị tư vấn và các đơn vị có liên quan giải trình theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, khẩn trương hoàn thiện Đề án, giải trình các ý kiến tác động đến môi trường, văn hóa, cạnh tranh, đóng góp cho kinh tế xã hội như thế nào,… Chậm nhất cuối tháng 10 là hoàn thiện hồ sơ để lấy ý kiến các bộ ngành lần nữa, đến cuối tháng 11 trình Thủ tướng Chính phủ.
Lê Vương Đoan Tú