Tuy nhiên, giờ muốn đưa tàu vào hoạt động trở lại cũng khó vì hết hạn đăng kiểm, trong khi cơ sở sửa chữa rất ít.
Tàu biển được lên đà sửa chữa, giám sát đăng kiểm tại Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương
Hàng trăm phương tiện hết hạn kiểm định
Công ty TNHH MTV Thạnh Thới (Kiên Giang) bắt đầu kinh doanh vận tải khách bằng phà tuyến từ bờ ra đảo Phú Quốc từ năm 2011, đến nay sở hữu đội phà 16 chiếc, gồm phà biển công suất lớn và phà pha sông biển SB.
Ông Nguyễn Ngọc Thới, Giám đốc công ty chia sẻ, dịch Covid-19 kéo dài khiến lượng khách đi phà giảm mạnh, có thời điểm phải dừng hoạt động nên không có nguồn thu để trả lương.
“Phà không chạy, nằm một chỗ còn nhanh hỏng hơn khi hoạt động nên vẫn phải bảo dưỡng thường xuyên. Định kỳ mỗi năm phương tiện phải sửa chữa, bảo dưỡng một lần, nhưng trở ngại là tại địa bàn không có đơn vị sửa chữa, chúng tôi phải mời người từ TP.HCM hay Hải Phòng vào nên rất tốn kém”, ông Thới nói.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo đảm chất lượng kiểm định, Cục Đăng kiểm VN sẽ phân loại cơ sở hoạt động trong lĩnh vực đóng, sửa chữa, cung cấp dịch vụ an toàn kỹ thuật tàu biển, phương tiện thủy.
Các cơ sở hoạt động tốt sẽ không bị hậu kiểm, còn doanh nghiệp hay vi phạm sẽ được tăng cường giám sát.
Đăng kiểm viên không được tự ý hậu kiểm doanh nghiệp, phương tiện mà phải có quyết định của Cục cử đi làm nhiệm vụ để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong quản lý kiểm định.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Đặng Việt Hà
Tương tự, đại diện doanh nghiệp kinh doanh bến du thuyền nổi (pontong) HLP tại vịnh Hạ Long cũng than, 2 năm qua có thời điểm phải đóng cửa vì dịch Covid-19 nên không có nguồn thu.
“Năm tới, chúng tôi phải tháo dỡ bến nổi để kéo lên đà kiểm định, chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Tại Khánh Hòa, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến doanh nghiệp ở Nha Trang và Cam Ranh gặp nhiều khó khăn vì vận tải du lịch bằng phương tiện thủy bị ngưng trệ.
Đến nay, hàng trăm phương tiện có nhu cầu lên đà sửa chữa để sẵn sàng hoạt động trở lại, song gặp khó vì khu vực này chỉ có 5 cơ sở sửa chữa có giấy phép.
“Trên địa bàn TP Nha Trang có hơn 500 phương tiện thủy quá hạn đăng kiểm, chưa kể có các phương tiện khác có nhu cầu đăng kiểm hàng tháng, nên chỉ với 5 cơ sở sửa chữa không đủ đáp ứng nhu cầu.
Do cung cầu mất cân đối nên gần đây xảy ra tình trạng cơ sở sửa chữa nâng giá kéo tàu lên đà, sửa chữa và lưu bãi, khiến chủ phương tiện vận tải thêm khó khăn. Trong khi đó đơn vị đăng kiểm chỉ đồng ý kiểm tra kỹ thuật, kiểm định tại các cơ sở có giấy phép”, một số hộ kinh doanh vận tải thủy du lịch tại Nha Trang nêu vấn đề.
Liên quan vấn đề trên, đơn vị đăng kiểm thủy tại Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn có nhiều cơ sở sửa chữa, đóng tàu nhưng hiện chỉ có 5 cơ sở được công nhận đủ năng lực hoạt động.
Theo quy chuẩn quốc gia (áp dụng từ năm 2021), cơ sở được công nhận năng lực mới được tiếp nhận sửa tàu và đơn vị đăng kiểm chỉ kiểm tra, cấp chứng nhận đăng kiểm đối với phương tiện được đóng, sửa chữa tại cơ sở được công nhận.
Theo Cục Đăng kiểm VN, hiện nhiều cơ sở đóng sửa tàu lâm vào cảnh khó khăn do ít phương tiện đóng mới. Toàn quốc hiện chỉ có 15 tàu biển đang đóng mới, trong khi có đến 46 tàu dừng thi công từ hơn 2 năm nay.
Tháo gỡ thế nào?
Tại hội nghị đối thoại trực tiếp, kết hợp trực tuyến với doanh nghiệp toàn quốc do Cục Đăng kiểm VN tổ chức mới đây, ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, đã triển khai một số giải pháp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Cục Đăng kiểm VN chỉ đạo đơn vị đăng kiểm thủy tại Khánh Hòa trong tuần này thống kê số lượng phương tiện thủy quá hạn đăng kiểm do ít cơ sở sửa chữa và sẽ giải quyết theo hướng giám sát sửa chữa phương tiện tại điểm có thể kéo tàu lên đà”, ông Hà Nói.
Cũng theo ông Hà, Cục Đăng kiểm sẽ đề xuất Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy để giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ năng lực đóng, sửa chữa tàu.
Với các trường hợp tàu biển, phà quá hạn đăng kiểm do dịch Covid-19 sẽ được gia hạn giấy chứng nhận đăng kiểm thêm 5 tháng để chủ phương tiện có thêm thời gian khắc phục.
Cục Đăng kiểm VN đã thông báo, hướng dẫn các đơn vị vận tải trên toàn quốc gửi văn bản đến Cục Đăng kiểm VN để được giải quyết.
Tương tự, các tàu biển chạy tuyến quốc tế cũng được gia hạn chứng nhận đăng kiểm do dịch Covid-19 khiến đăng kiểm viên không thể tiếp cận tàu hoặc nhà máy sửa chữa bị phong tỏa.
Đề cập thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, để tiết kiệm chi phí kéo phương tiện thủy lên đà, đơn vị này đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định sử dụng thợ lặn để quay phim, chụp ảnh phần thân phương tiện chìm dưới nước thay cho việc đưa phương tiện lên đà để kiểm định.
Nguồn: baogiaothong