163 năm trước, tin truyền nóng hổi trên điện tín và báo chí thế giới cho biết sông Sài Gòn và cảng Sài Gòn ở châu Á đã mở cửa. Tàu thuyền các nước được tự do ra vào và đặc biệt được miễn thuế xuất nhập khẩu.
Đó là “cột mốc vàng” trong lịch sử ra đời và phát triển một bến cảng – đã và đang xứng đáng là một tổ chức hậu cần hàng hải hàng đầu của Việt Nam. Song, quan trọng hơn nữa, đó còn là cột mốc sáng giá đánh dấu thời kỳ thành phố trẻ trung này thoát khỏi vòng cương tỏa “bế quan tỏa cảng” hơn nửa thế kỷ để ra với thế giới thông thương hiện đại!
Nhìn lại trước đó và sau này, ta có thể nhận ra khu vực cảng Sài Gòn khởi thủy từ bến Bạch Đằng đến khu vực Khánh Hội – Tân Thuận và đang vươn ra Nhà Bè – Cần Giờ, chính là một nguồn lực phong phú và chứng tích lẫy lừng, phản ánh dòng lịch sử năng động của mảnh đất và con người Sài Gòn.
Bến thuyền làm nên Sài Gòn
Sài Gòn, cái tên dân dã, từng có tên hành chính Việt Nam là Tân Bình, Gia Định và Phiên An, sẽ chỉ là một thành phố bình thường, nằm đâu đấy ẩn khuất ở vùng Viễn Đông của thế giới, nếu không có dòng sông lớn thông ra biển và bến cảng giao thương do nhiều thế hệ xây dựng và điều hành.
Vào buổi bình minh, cách đây hàng chục thế kỷ, sau khi miền đất Đồng Nai và đồng bằng sông Tiền – sông Hậu mới nổi lên và ổn định, cư dân bản địa đã làm nên các làng chài ở cửa biển Cần Giờ và rải rác trong sâu, giữa một vùng đầm lầy và sông rạch mênh mông. Địa danh cửa biển Cần Giờ, theo Trương Vĩnh Ký, xuất phát từ tiếng Khmer cổ là Kancheou, có nghĩa là chiếc thúng, hoặc thuyền thúng.
Quả thật, các dấu tích khảo cổ, quanh thế kỷ thứ nhất, cho thấy rõ người bản địa là cư dân sông nước, di động nhiều nơi, sinh hoạt và kể cả nấu nướng diễn ra trên thuyền ghe (bếp cà ràng). Họ chôn xác trong mộ chum để thân xác – biểu hiện cho ý chí cuộc đời trụ được trên đất sình và nước lợ, qua bao lần nước lên.
Đáng chú ý, có những trang sức được chế tác tinh xảo không chỉ là sản phẩm tại chỗ. Đấy có lẽ là dấu tích giao lưu hàng hóa và văn hóa của người từ phương xa. Mặt khác, “ông bà ông sơ” trên mảnh đất liền lạc sông biển này chắc cũng đến từ tứ xứ ở các vùng thượng nguồn dòng sông và các vùng biển đảo kế cận.
Vào các thế kỷ 15-16 và đầu 17, giao thương Âu – Á qua biển đã nhộn nhịp. Trên nhiều bản đồ hàng hải và tài liệu cổ của Hà Lan, Nhật Bản và một số nước phương Tây về dải đất hình chữ S, xuất hiện bằng ký hiệu một cảng thị nhưng không thấy ghi tên, nằm gần biển bên một dòng sông lớn – dẫn lên kinh đô Udong của vương quốc Chân Lạp (cách Phnom Penh ngày nay khoảng 40 km). Một số bản đồ ghi tên dòng sông ấy là Javanese (người Việt đọc là Chà Và, phải chăng là dấu tích các thuyền của nước ngoài đến từ Indonesia và Ấn Độ?) hoặc Cambodia River.
Theo chúng tôi, rất có khả năng “thành phố ẩn tên” chính là Prei Nokor (tiếng Khmer), hay Pei Gon (tiếng Chăm) và Sài Gòn (tiếng Việt). Lý do ẩn tên trong mắt thương nhân phương xa có thể do cảng thị này chưa lâu đời và chưa có quy mô lớn như Udong hay Fai Fo (Hội An) và Kẻ Chợ (Hà Nội). Mặt khác, có lẽ nó chỉ đóng vai trò “tiền cảng” và cảng trung chuyển dẫn dắt các con tàu viễn dương ra vào sâu bên trong thông qua hệ thống sông rạch chằng chịt liên thông, để từ đó tiếp cận vùng Biển Hồ – Tonle Sap, nơi quần tụ đông đúc dân cư và hàng hóa (lúa gạo, tôm cá, lâm sản).
Tuy nhiên, vào năm 1623 trở đi, chính quyền chúa Nguyễn được vương quốc Chân Lạp trao cho quyền lập các đồn thu thuế, ở vị trí Cột cờ Thủ Ngữ và Cầu Kho ngày nay, để kiểm soát thương thuyền qua lại. Chúa Nguyễn còn được lập đồn binh và đồn điền ở vùng sơn hải Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hơn 50 năm sau khi người Việt định cư, vào năm 1679, bằng một thỏa thuận nào đó giữa hai chính quyền, đã ra đời theo cách nói ngày nay, hai “đặc khu kinh tế”, nằm kế cận Sài Gòn. Đó là vùng Mỹ Tho – Gò Công, nơi sản xuất lúa gạo và vùng Cù lao phố – Biên Hòa, nơi khai thác lâm thổ sản, gốm sứ, hàng thủ công phục vụ giao thương xuất khẩu. Cả hai đều do quân lính và gia binh người Hoa đào thoát nhà Thanh khai phá, với sự bảo hộ và hỗ trợ của chúa Nguyễn. Hẳn nhiên, có hai nguồn hàng hóa dư dả kề bên và biết cách vận hành, cửa khẩu Sài Gòn dưới quyền chúa Nguyễn không còn là một cảng thị tầm vóc nhỏ.
Vào năm 1698, chính quyền chúa Nguyễn chính thức sáp nhập cảng thị Sài Gòn – đổi tên là Tân Bình và các vùng đất chung quanh, gộp thành phủ Gia Định vào lãnh thổ Việt Nam. Từ ấy, các bến thuyền của Sài Gòn và đô thị của nó bước qua giai đoạn phát triển lớn, dần dần “rạng danh” trên bản đồ thế giới.
Trải qua 100 năm bồi đắp, người Việt cùng các cư dân bản địa (Khmer, Chăm và các sắc dân Đồng Nai Thượng) và di dân người Hoa đã làm nên một đô thị mới, hoàn chỉnh là nơi có bến cảng, nhà kho, xưởng sửa chữa tàu thuyền, kênh đào, thành lũy, làng nghề, ruộng vườn và nhất là các phố chợ.
Đô thị Tân Bình, tên phổ biến sau này là Gia Định kinh, Gia Định thành, trước và sau 1802, khi vương quốc Việt Nam thống nhất liền một dải từ Nam ra Bắc, đã tiếp nhận nhiều tàu buôn và các sứ thần của các lân quốc và các nước phương Tây như Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp và Mỹ.
Chứng tích cảng Sài Gòn thuở ấy, xuất hiện trên bản đồ quy hoạch thành phố do các chuyên viên Pháp vẽ vào cuối thế kỷ 18 và bản đồ hiện trạng của tướng quân Trần Văn Học vào năm 1815, là ký hiệu các nhà kho và bến tàu kéo dài từ cuối rạch Thị Nghè (Ba Son) đến kênh Bến Nghé – Tàu Hũ và phố thị Chợ Lớn.
Năm 1819, hai thương thuyền đầu tiên của Mỹ đến Gia Định, neo tàu ở phía Thủ Thiêm. Người Mỹ tìm mua gạo, tơ lụa, thổ sản và đem về Mỹ nhiều hiện vật và ghi chép kỹ lưỡng về xứ sở đầy lạ lẫm trong mắt họ. Một trong những báo cáo về chuyến đi là tấm bản đồ còn lưu giữ ở Đại học Yale về đường thủy rất chi tiết từ Cần Giờ vào thành phố, ghi rõ là “Saigon City”.
Vài năm sau, năm 1825, trên bản đồ vùng Viễn Đông do sứ thần Anh Quốc John Crawford thiết kế, sau khi ghé thăm Gia Định, lộ diện tên Sài Gòn và tên dòng sông dẫn vào là Soài Rạp. Một bản đồ khác của Anh về dải đất hình chữ S năm 1834, ngoài địa danh “Saigon”, đã có hàng chữ “Saigon harbour” (cảng Sài Gòn).
Tự do hóa thương mại và hiện đại hóa cảng
Rất tiếc giao thương giữa Việt Nam và nước ngoài từ thời Minh Mạng, đặc biệt là sau nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833 – 1835), trở nên sa sút và dè dặt. Chính sách ức thương và “bế quan tỏa cảng” cùng với những lề lối cai trị khắc nghiệt khác đã làm Việt Nam trở thành một quốc gia đột nhiên “kín cổng cao tường”, tự cô lập với thế giới.
Gia Định, đổi tên là Phiên An, hầu như là cánh cửa duy nhất của cả nước mở hé để mua bán ít ỏi với bên ngoài. Sử ký triều đình cho biết Gia Định đón nhận chủ yếu là tàu thuyền của thương nhân người Hoa đến từ Tân Gia Ba (Singapore), Batavia (Indonesia) hay Hong Kong. Theo Singapore Chronicle and Commercial Register, ngày 18.4.1834, tàu Den Jeong đến từ Cochinchina (Nam kỳ) nhập vào đây một số đường, gạo, thiếc và tiền kim loại Tây Ban Nha và Việt Nam.
Ngày 17.2.1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha với đại bác, chiến thuyền tinh xảo và chiến thuật mạnh mẽ đã tiến công Gia Định. Họ mau chóng chiếm được thành phố, kiểm soát toàn bộ sông Sài Gòn và tạm thời ngăn cấm tàu thuyền giao thương. Thế nhưng, ngay trong lúc còn đánh nhau với đại quân của Nguyễn Tri Phương trên đất Sài Gòn và phòng tuyến Chí Hòa (từ Hòa Hưng phía Tây Bắc băng đến Chợ Lớn phía Tây Nam), người Pháp đã chuẩn bị kế hoạch khôi phục hoạt động của cảng Sài Gòn.
Thật bất ngờ, ngày 10.2.1860, tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Sài Gòn ra thông báo mở cửa sông Sài Gòn và cảng Sài Gòn. Cùng với bản thông báo là quy định gồm 16 điều về việc đi lại và đánh thuế tàu thuyền xuất nhập hàng hóa. Văn bản này được công bố rộng rãi cho các cơ quan ngoại giao Pháp ở hải ngoại để chuyển đến báo chí và giới kinh doanh nhiều nước.
Đúng một tháng sau, toàn văn bản thông báo và quy định bằng tiếng Pháp và bản dịch tiếng Anh do Tổng lãnh sự Pháp ở Singapore phổ biến, đã được đăng trên báo Singapore Free Press and Marcantile Advetiser.
Theo đó, Pháp khẳng định cho phép thương thuyền của tất cả các nước không có chiến tranh với Pháp được trở lại dòng sông Sài Gòn từ Cap St Jacques (Vũng Tàu) đến thành phố Sài Gòn, sau thời gian đóng cửa vì chiến sự. Các thương thuyền được neo đậu ở các vị trí được chỉ định từ phía Bắc pháo đài phía Nam trở đi (vùng Tân Thuận trở lên bến Bạch Đằng hiện tại) và con rạch dẫn đến Chinese Bazar (tên gọi phương Tây về Chợ Lớn).
Điều rất hấp dẫn với giới kinh doanh là các thương thuyền không phải đóng thuế trên bất cứ hàng hóa nhập khẩu hay xuất khẩu nào, trừ thuốc phiện (điều 9 trong quy định). Các nhà buôn chỉ phải đóng thuế neo tàu dựa trên trọng tải của thuyền với mức là 2 đô la/tấn. Mặt khác, ngay từ thuở ấy, phía Pháp đã quy định các thương thuyền không được đổ cát, gạch đá và các vật dằn tàu xuống sông (điều 11).
Bản thông báo còn cho biết việc mở cửa lại sông và cảng Sài Gòn còn để phục vụ trước nhất là xuất khẩu gạo qua Malaysia (Penang và Singapore đã trở thành thuộc địa của Anh) và các nước chung quanh Biển Đông.
Chỉ hai tháng sau khi ký hiệp ước với triều đình Huế ngày 5.6.1862, chính thức chiếm đoạt ba tỉnh Gia Định, Định Tường (Mỹ Tho) và Biên Hòa, chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã ra sắc lệnh nhắc lại các nội dung tương tự của thông báo trên.
Thực chất với các quy định đó, cảng Sài Gòn đã trở thành một cảng mở và tự do thương mại – Open and Free Port, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho giao thương, giống như Singapore và Hong Kong cùng thời gian ấy. Tên gọi chính thức của cảng được định danh rõ ràng và nhấn mạnh là Thương cảng Sài Gòn.
Trong tình hình không còn giao tranh lớn, phía Pháp đã dồn nỗ lực xây dựng một thành phố Sài Gòn tân tiến, trong đó Thương cảng và Quân cảng (khu vực nhà máy Ba Son ra đến Bộ tư lệnh Hải quân hiện tại) là hai công trình xây dựng và điều hành hiện đại theo lối châu Âu sớm nhất.
Đầu tháng 7 năm 1863, phái bộ Phan Thanh Giản đến Sài Gòn để đi tàu biển sang Pháp, sau đó trở về đây vào tháng 3 năm 1864. Cả hai lần, các thành viên đã chứng kiến một đô thị mới lạ, nảy nở nhanh chóng trên nền Gia Định cũ. Đặc biệt là Thương cảng Sài Gòn với các cầu tàu, bến bãi, nhà kho, cột cờ tín hiệu… được xây dựng dọc bờ Bến Nghé (bến Bạch Đằng) và Khánh Hội bởi một hãng tàu quốc tế chuyên nghiệp. Đó là hãng Messageries Imperiales (sau 1871, đổi tên là Messageries Maritimes) mà văn phòng đặt tại một ngôi nhà tân lập kiên cố và đồ sộ, ngay đầu rạch Bến Nghé, dân ta gọi là Nhà Rồng.
Hàng hóa dồi dào của Nam kỳ ban đầu chỉ là lúa và nông sản, sau đó là hải sản, cao su và các mặt hàng thủ công, hàng chế biến được xuất đi từ Thương cảng Sài Gòn. Và ngược lại, hàng hóa công nghiệp của Âu Mỹ và các nước khác được nhập về đây, tỏa đi khắp nơi.
Vào năm 1939, Thương cảng Sài Gòn đã nằm trong “Top ten” các cảng hàng đầu thuộc đế chế Pháp. Trước khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã có kế hoạch mở rộng Thương cảng Sài Gòn từ Khánh Hội ra Nhà Bè và Cần Giờ, trong đó có cả một cảng thủy phi cơ ở vịnh Gành Rái.
Giữ cảng xưa, kiến tạo công năng và vẻ đẹp mới
Ngày nay, cảng Sài Gòn đang được di dời ra ngoài trung tâm thành phố, tiếp cận sát hơn với biển. Để làm giàu về cả kinh tế và văn hóa cho thành phố, chốn xưa của Thương cảng Sài Gòn cần được gìn giữ cảnh quan và kiến tạo phù hợp với mục tiêu bảo tồn và tiến hành kinh tế di sản.
Theo chúng tôi, khu vực bến Bạch Đằng, hiện tại đã trở thành công viên, rất cần bổ sung các bảng lưu niệm, tượng đài ghi dấu lịch sử nơi đầu tiên người Việt đặt chân lên Bến Nghé và nhiều thời điểm tạo dựng thành phố từ thế kỷ 17 đến nay. Tại đây, ngoài các bến tàu đi Vũng Tàu và Cần Giờ và bến Water bus nên có thêm bến du thuyền đi dọc sông Sài Gòn khu vực Thủ Đức lên đến Củ Chi, Bình Dương, Tây Ninh. Còn tại đầu rạch Bến Nghé (bến Chương Dương) sẽ có bến thuyền du lịch đi Chợ Lớn và miền Tây.
Trong khi ấy, ở khu vực Khánh Hội và Tân Thuận, chính quyền không nên dùng làm khu vực xây cất căn hộ cao tầng và biệt thự, như kiểu đã làm ở khu vực Ba Son cũ. Chúng ta hãy giữ khu vực cảng xưa làm một phức hợp lịch sử – văn hóa – nghỉ ngơi – du lịch kết hợp thưởng ngoạn thiên nhiên và nhân văn với giáo dục truyền thống của thành phố và các dịch vụ nhân sinh.
Chính quyền và các cơ quan nghiên cứu cần thực hiện khảo sát và kiểm kê ngay các địa điểm neo tàu, xuất nhập hàng hóa, trang thiết bị chuyên dụng, nhà kho, nhà làm việc, nhà ở, các xưởng máy đang tồn tại trên bến cảng. Qua đó, đề xuất các phương án giữ gìn chọn lọc, khai thác công năng mới, đồng thời tận dụng cơ sở vật chất và cảnh quan cũ. Chúng ta cần kiên quyết coi khu vực cảng là khu vực công trình công cộng, không sở hữu riêng cho cá nhân hay doanh nghiệp nào.
Để thực hiện việc này, rất cần thiết tổ chức rộng rãi việc thi thiết kế ý tưởng và đấu thầu xây dựng – quản trị toàn bộ khu đất vàng quý giá về cả lịch sử và thương mại. Hơn nữa, cần xem việc chỉnh trang và phát triển khu vực cảng xưa trong tương quan hỗ trợ sự thay đổi và nâng cấp quận 4, cũng như phát triển phía bờ Thủ Thiêm đối diện.
Mong rằng trong lúc tập trung thành lập cảng trung chuyển quốc tế – một siêu dự án ở đảo Phú Lợi – Cần Giờ, chính quyền trung ương và địa phương cùng công ty Cảng Sài Gòn vẫn dành công sức và thời gian đầu tư thành công cho dự án chỉnh trang và tái tạo khu vực cảng Khánh Hội – Tân Thuận.
Đó sẽ là một phần rất quan trọng trong các dự kiến chỉnh trang và làm mới một đô thành hoàn mỹ của thế kỷ 21, để tiếp bước tiền nhân vươn ra biển lớn!
Nguồn: Phúc Tiến.