Kỷ niệm 110 năm, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt 3 bài: “Từ Thành phố này Người đã ra đi”.

Bài 1: Bến Nhà Rồng – “Nơi in dấu chân Bác”

Nhắc đến Bến Nhà Rồng, trong mỗi chúng ta không thể không biết đến địa danh nổi tiếng đã góp phần thay đổi toàn bộ lịch sử của nền dân tộc Việt Nam. Nơi đây, ngày 5/6/1911, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) lấy tên là Văn Ba, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm.

ben nha rong

 Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
(Ảnh: Phạm Cường)

Bác Hồ lựa chọn Sài Gòn là nơi để ra nước ngoài sau này cũng được nhiều nhà nghiên cứu lý giải bởi lúc bấy giờ Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ, nơi đây có những công ty tàu biển lớn chạy tuyến Pháp – Đông Dương nên rất thuận lợi cho việc sang Pháp. Đây cũng là vùng đất tự do hơn so với các xứ khác ở Việt Nam thời bấy giờ, thuận lợi cho việc sang Pháp và các nước để xem họ “làm như thế nào”.

Theo PGS, TS Trương Thị Hiền, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh thì Sài Gòn có nền kinh tế phát triển, một vùng sầm uất về thương mại hàng hóa và cư dân đông đúc. Sài Gòn là thủ phủ chính trị của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp- đầu não chính trị của thuộc địa Nam kỳ. Thành phố Sài Gòn vào thời kỳ hoàng kim đầu thế kỷ XX là thương cảng lớn thứ tám vùng Viễn Đông, là cửa ngõ ra thế giới cho 75% lượng hàng hóa xuất khẩu của xứ Đông Dương và đã là nhà xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới.

Nói về ý nghĩa Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, trong các hội thảo cấp quốc gia, các chuyên gia đều khẳng định: Sự kiện Ngày 5/6/1911 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh vì sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đi ra thế giới tìm được con đường cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là sự kiện mở ra quá trình Việt Nam từng bước hội nhập vào dòng tiến hóa theo xu thế mới của nhân loại dưới sự dẫn dắt của Người.

Sài Gòn, nơi Người dừng chân trong thời gian ngắn nhất nhưng lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước do được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng. Việc Người chọn nghề phụ bếp trên tàu Latouche Tréville cũng có tính mục đích rất rõ ràng, bởi chỉ trên chiếc tàu viễn dương, người thanh niên yêu nước này mới có điều kiện đến nhiều nước khác nhau; tiếp nhận được những tư tưởng tiến bộ ở khắp năm châu bốn biển. Đó là nhận thức về Tự do- Bình đẳng- Bác ái ở châu Âu và châu Mỹ; được tiếp xúc với tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người trong Bản Tuyên ngôn độc lập của cách mạng Mỹ và Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp đã giúp Người tìm đến tư tưởng đấu tranh giành tự do, dân chủ, mưu cầu hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, đây là kim chỉ nam để Người tiếp cận với chủ nghĩa Mác- Lênin, học thuyết dẫn đường, đưa lối cho Người lãnh đạo cách mạng đất nước ta thành công.

img 9052
Triển lãm ảnh “Nguyễn Tất Thành- Hồ Chí Minh: Từ Bến cảng Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử” (Ảnh: HM)

Ghi nhớ sự kiện lịch sử trọng đại người thành niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời thương cảng Sài Gòn  (Bến Nhà Rồng) ra đi tìm đường cứu nước, cùng với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau ngày miền Nam được giải phóng, Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định khôi phục ngôi Nhà Rồng thành Khu di tích Bác Hồ. Năm 1982, Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định thành lập Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau hơn 10 năm hoạt động, đến ngày 30/10/1995, Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định đổi tên “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Lưu Thị Tuyết Trinh cho biết: Hơn 40 năm qua, Bảo tàng thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ chí Minh đến mọi tầng lớp Nhân dân. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mà Người đã để lại cho dân tộc.

Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được một hệ thống gồm 06 kho bảo quản hiện vật với diện tích 277m2 để lưu giữ các tài liệu hiện vật. Hệ thống các kho đã được trang bị các phương tiện, trang thiết bị bảo quản cần thiết.

Trong đó, coi trọng công tác sưu tầm là khâu quan trọng, then chốt trong toàn bộ hoạt động của bảo tàng, bởi do đặc thù của bảo tàng chi nhánh, hiện vật gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhiều, nên trong những năm qua, Bảo tàng đã phối hợp, liên kết có hiệu quả với các cơ quan, đơn vị và các bảo tàng bạn trong việc tổ chức các đợt sưu tầm hiện vật. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin, vận động Nhân dân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Đến nay, Bảo tàng có 23.888 tài liệu, hiện vật, trong đó có 3,691 hiện vật gốc, 1.889 tài liệu mật. Xây dựng 91 sưu tập với 2.542 hiện vật (05 sưu tập hiện vật quý hiếm với 104 hiện vật) có giá trị. Toàn bộ hiện vật được ghi chép, lập hồ sơ; các dữ liệu hiện vật được đưa vào phần mền quản lý. Việc xét duyệt lý lịch hiện vật đi vào nền nếp với việc tổ chức họp định kỳ Hội đồng Khoa học của Bảo tàng để xét duyệt theo đúng nguyên tắc.

Công tác trưng bày, triển lãm từng bước được đổi mới. Qua 6 lần chỉnh lý, hiện nay, hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng gồm 07 phòng, 8 gian trưng bày phản ánh đầy đủ và sinh động những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 03 phòng nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với Nhân dân miền Nam và tình cảm kính yêu của Nhân dân miền Nam dành cho Bác Hồ. Đặc biệt, Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân các ngày lễ trọng đại của đất nước và mỗi khi đến tham quan Bảo tàng.

Song song với giữ gìn, bảo quản, thời gian qua Bảo tàng cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các tọa đàm, hội thảo…

Có thể nói, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là địa chỉ đỏ để các tầng lớp Nhân dân, du khách đến tham quan có thể hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và về lịch sử của dân tộc.

sk ben nha rong
 Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh là nơi Thành ủy TP Hồ Chí Minh lựa chọn làm nơi tổ chức các sự kiện kỷ niệm quan trọng của Thành phố (Ảnh: HM)

Nguyễn Minh Hiếu – sinh viên năm cuối ngành Chính trị học Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ Học viện Cán bộ TP chia sẻ: “Kỷ niệm 110 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu (5/6/1911 – 5/6/2021),  tôi tự hào khi được lớn lên ở TP mang tên Bác, cùng với những nỗ lực của bản thân trong học tập và tham gia các hoạt động xã hội do trường, và các tổ chức Đoàn phát động, với vai trò Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ, tôi đã cùng các thành viên trong Ban chủ nhiệm tổ chức cho các thành viên trong CLB tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác; các buổi sinh hoạt học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc tham quan, tìm hiểu tại các điểm di tích, trong đó có Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”.

Là giảng viên trẻ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, đồng thời cũng là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên của Học viện, Ths Nguyễn Hữu Hoàng xúc động nói: “Ngay từ nhỏ tôi đã thích nghiên cứu tìm hiểu về các câu chuyện liên quan đến Bác Hồ. Sau này khi tham gia làm công tác giảng dạy, có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về nội dung này. Tôi luôn muốn lan tỏa những điều mình đã tìm hiểu, nghiên cứu đến đoàn viên thanh niên hay các học viên của mình”.

Theo anh Hoàng, để lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua Đoàn Thanh niên Học viện đã tham mưu cho Ban Giám đốc Học viện thực hiện nhiều cuộc thi cũng như các chương trình giao lưu để lại tiếng vang trong Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương. Tiêu biểu như Cuộc thi Hành trình theo chân Bác thu hút hơn 600 cán bộ, công chức, viên chức tham gia; hay Hội thi 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… thông qua hình thức sân khấu hóa, game show. Để các thí sinh tham gia các cuộc thi có kiến thức, có chất liệu để triển khai bài thi của mình, Đoàn trường đã tổ chức cho các thí sinh tham gia những hành trình về nguồn tại nhà số 5 ở Châu Văn Liêm, Quận 5 và Bến Nhà Rồng… Nhờ vậy các cuộc thi này đã trở thành điểm nhấn trong các hoạt động của Trường.

Bên cạnh đó, là giảng viên, nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng, về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… đã giúp Hoàng có cơ hội được tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này; từ đó anh lan tỏa những nội dung mình tìm hiểu được vào thiết kế các bài giảng, hay các bài nói chuyện tại các sự kiện của Đoàn…

Bài 2: Tự hào Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguồn: dangcongsan