Cục Hàng hải VN vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT đánh giá tác động của việc giảm mức phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng hải để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước biến động của giá nhiên liệu.
Trong đó, Cục Hàng hải VN cho rằng, miễn thu hay giảm phí, lệ phí cũng ít tác động đến giá thành vận tải biển. Bởi, mức thu phí, lệ phí hàng hải tại cảng biển Việt Nam hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 7-9% tổng chi phí vận tải của một con tàu hoạt động hàng hải quốc tế (với hoạt động hàng hải nội địa, tỷ lệ này chiếm khoảng 3-5%).
Đối với các doanh nghiệp, Chính phủ hỗ trợ giảm được phí, lệ phí nào cũng là sự hỗ trợ, quan tâm
Giá nhiên liệu tăng dễ gây lạm phát
Chia sẻ với Báo Giao thông, hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển đều công nhận mức phí, lệ phí hiện nay không có tác động quá lớn tới cơ cấu giá thành vận tải biển. Tuy nhiên, nếu Chính phủ có cơ chế giảm mức phí, cũng góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp trước khó khăn.
“Giá nhiên liệu hiện nay đã tăng khoảng 160% so với đầu năm”, đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Tiến – Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông. Theo ông Tiến, nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất và là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành vận tải biển. Nhiên liệu tăng kéo theo các chi phí vận tải, chi phí logistics, giá cả hàng hóa… đều tăng, gây lạm phát.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu phụ thuộc vào thị trường nên khó để điều tiết. Chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh nhiều yếu tố để tránh bị lỗ.
Do đó, nếu Chính phủ có thể xem xét, điều chỉnh giảm phí và lệ phí sẽ là phương án hợp lý để trợ giá cho các doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ cả nền kinh tế.
“Điều đó rất nhỏ nhưng cũng góp phần bình ổn thị trường. Nếu nhà nước có biện pháp giảm phí nào đó cũng đỡ một phần cho doanh nghiệp, để hạn chế phải tăng các chi phí khác. Chi phí vận tải giảm sẽ làm giảm chi phí logistics, vô hình chung điều tiết được thị trường. Điều đó cũng giúp các doanh nghiệp nhận thấy mình được nhà nước đồng hành, quan tâm”, ông Tiến cho hay.
Là doanh nghiệp có tàu khai thác các tuyến quốc tế, đại diện của Biển Đông cũng cho biết hiện nay, một số tuyến tàu dù chỉ chạy hai đầu cảng Việt Nam (ví như Đà Nẵng – Hải Phòng) mà trên tàu chở hàng quốc tế, doanh nghiệp vẫn bị tính theo phí hoạt động quốc tế.
Bởi thế, ông Tiến đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh, đưa các mức về biểu mức phí, lệ phí hàng hải nội địa để hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời giảm phí, lệ phí theo thời điểm. Trong thời điểm giá nhiên liệu tăng cao, Nhà nước có thể hỗ trợ giảm phí lệ phí theo %. Đến khi nhiên liệu bình ổn, có thể điều tiết lại.
Cần chính sách tác động hiệu quả tới doanh nghiệp
Các doanh nghiệp đang phải căn cơ, tính toán để hạn chế thấp nhất thiệt hại do giá nhiên liệu tăng
Một lãnh đạo của Công ty CP Vinafco cũng khẳng định, tất cả những gì liên quan đến chi phí đều tác động đến doanh nghiệp. “Nếu Nhà nước hỗ trợ được doanh nghiệp các khoản phí, lệ phí là điều quá tốt, đặc biệt là phí hàng hải quốc tế”, vị này chia sẻ.
Quả thật, kể từ khi giá nhiên liệu liên tục lập “đỉnh”, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) phải căn cơ, tính toán từng chút một trong các hoạt động vận tải để đảm bảo hạn chế thấp nhất các thiệt hại.
Theo Phó Tổng Giám đốc VOSCO Đặng Hồng Trường, doanh nghiệp của ông phải bám sát điều chỉnh việc tiêu thụ nhiên liệu để sử dụng hiệu quả nhất. Trước đây, tàu thường chạy với tốc độ cao (gây tốn nhiên liệu hơn) để tiết kiệm ngày tàu. Hiện tại, các tàu phải giảm tốc độ để đỡ tốn nhiên liệu tiêu thụ vì chi phí nhiên liệu lớn hơn ngày tàu.
Nói về các biểu mức phí, lệ phí hàng hải hiện nay, do VOSCO chủ yếu khai thác các tuyến quốc tế nên các mức phí, lệ phí hàng hải trong nước không tác động nhiều tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Trường nhận định, thực chất phí, lệ phí không tác động quá nhiều tới giá thành vận tải biển bằng những biến động của giá chi phí đầu vào khác.
Bởi thế, “mong Chính phủ xem xét, đưa ra những chính sách lớn, mang tính chất hỗ trợ thiết thực để tác động hiệu quả nhất tới doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, ví như giảm thuế”, vị lãnh đạo VOSCO kiến nghị và nói thêm, nếu giảm phí, lệ phí, có thể làm giảm nguồn thu để duy tu, bảo dưỡng các luồng lạch, cầu bến, phao tiêu… hàng hải.
Tuy nhiên, ông Trường cũng bày tỏ sự ủng hộ nếu Nhà nước hỗ trợ giảm phí, lệ phí vì “cắt giảm được chi phí nào, cũng có lợi cho doanh nghiệp ở khoản nào đó”.
baogiaothong