Tư nhân “vượt mặt”
Đã nhiều năm nay, dù rất muốn đầu tư đội tàu để phục vụ nhu cầu kinh doanh nhưng Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) vẫn “bó tay”, không mua thêm được tàu biển mới nào vì những quy định liên quan tới việc đấu thầu trong mua bán tàu biển.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó Tổng giám đốc Vosco Đặng Hồng Trường cho hay: Việc mua bán tàu biển tại những doanh nghiệp có vốn của nhà nước như Vosco phải tuân theo quy định tại Nghị định 86/2020 về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển. Theo Nghị định này, hình thức mua tàu biển sử dụng vốn nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nhiều năm nay, các doanh nghiệp có vốn nhà nước không thể đầu tư được đội tàu. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo ông Trường, để thực hiện đấu thầu, doanh nghiệp mất nhiều thời gian và công sức để làm hồ sơ mời thầu. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, trong khi việc mua bán tàu chủ yếu diễn ra trên thị trường quốc tế.
Nhu cầu mua bán tàu của doanh nghiệp Việt Nam không đáng bao nhiêu so với quốc tế. Khi thị trường xuống, các doanh nghiệp có vốn nhà nước có dòng tiền tốt nhưng không đầu tư được. Trong khi đó, tàu đang khai thác ngày càng già, cũ, chi phí khai thác tăng và không phù hợp với yêu cầu thị trường. Thế hệ tàu mới phù hợp hơn, kinh tế hơn”, lãnh đạo Vosco chia sẻ và nhấn mạnh, mua bán tàu là nghiệp vụ bình thường và doanh nghiệp phải đầu tư. Việc mua bán tàu theo hình thức đấu thầu khiến doanh nghiệp nhà nước mất lợi thế cạnh tranh so với các chủ tàu tư nhân.
Khẳng định nhu cầu phát triển đổi mới đội tàu là có thật, song theo Tổng thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN Bùi Văn Trung, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc phát triển và đổi mới đội tàu của các doanh nghiệp mấy năm gần đây đã xảy ra hiện tượng nghịch chiều.
Đó là trong khi một số chủ tàu tư nhân nhanh nhạy đã tăng tấn trọng tải mà mình sở hữu và khai thác lên đáng kể, vươn rộng ra hơn trên thị trường quốc tế, thì đội tàu của các doanh nghiệp có vốn nhà nước lại phát triển chậm. Tuổi trung bình của tàu tăng, thậm chí có trường hợp năng lực giảm tới 50%.
“Đội tàu VIMC những năm 2010 có hơn 120 tàu với tổng trọng tải khoảng 3 triệu DWT, nay chỉ còn 60 tàu với tổng trọng tải 1,5 triệu DWT, tuổi trung bình đã trên 20 tuổi”, ông Trung dẫn ví dụ và nhận định, đây là vấn đề cần phải nhanh chóng có những giải pháp tổng thể để tháo gỡ và duy trì, củng cố, tăng cường năng lực của đội tàu nòng cốt của quốc gia.
Đầu tư mang tính thời điểm cao
Vấn đề mua bán tàu biển cũng là trăn trở của ông Bùi Việt Hoài, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam từ khi còn đương chức. Theo ông Hoài, ngành hàng hải có đặc thù riêng. Tàu biển thường có series riêng, nằm rải rác khắp thế giới và không phải lúc nào cũng được rao bán.
“Để các doanh nghiệp tìm được tàu có tuổi tàu, chủng loại, điều kiện kỹ thuật, giá cả… phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình không dễ và mất nhiều thời gian. Do đó khi tìm được, phải chớp thời cơ mới có thể đầu tư”, ông Hoài cho hay.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Trung phân tích, tại thị trường quốc tế, việc mua tàu thường diễn ra thông qua môi giới. Trước đây, việc mua tàu bình thường theo hình thức chào hàng cạnh tranh đã rất khó vì thị trường biến động liên tục. Chủ tàu khi gặp khách mua thường chốt bán rất nhanh, có khi rao bán lúc sáng và chiều đã chốt đơn.
Giờ áp dụng hình thức đấu thầu khi mua tàu sẽ phải chờ phê duyệt, tổ chức đấu thầu mất vài tháng. Điều đó khiến doanh nghiệp không mua tàu được. Chưa kể, các doanh nghiệp nước ngoài cũng không tham gia đấu thầu như Việt Nam và việc đầu tư tàu cũng cần mang tính thời điểm. Qua thời điểm, không nên đầu tư nữa.
“Cơ quan quản lý đưa ra quy định để siết chặt, đảm bảo minh bạch và tránh thất thoát trong mua bán tàu là điều bình thường. Nhưng cần tính tới đặc thù của ngành hàng hải. Quan trọng là làm sao để quản lý, giám sát, nhưng vẫn để doanh nghiệp chớp cơ hội mua bán được tàu”, ông Trung nói.
Phó Tổng giám đốc Vosco cho rằng đối với tàu biển, cần có Nghị định riêng trong việc mua, bán tàu, có chính sách đặc biệt mới khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư tàu vận tải biển. “Nếu vẫn áp dụng quy định như hiện tại, doanh nghiệp Nhà nước ngày càng bị tư nhân lấn át và không thể đáp ứng được vai trò chủ đạo trong những chiến lược về vận tải biển”, ông Trường cho hay.
Theo thông tin của Báo Giao thông, tại Đề án phát triển đội tàu biển Việt Nam vừa được Bộ GTVT phê duyệt, giai đoạn 2022 – 2026 sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về vận tải biển, tạo ra hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Trước mắt, tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán, đăng ký tàu biển, quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng thời, áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế cho các doanh nghiệp khi mua tàu biển có sử dụng vốn của nhà nước để phù hợp với thực tiễn hoạt động mua bán tàu biển.
Trước đó, tại buổi làm việc với Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC), liên quan tới những vướng mắc trong quy định hiện hành về đăng ký, xóa đăng ký, mua, bán, đóng mới tàu biển tại Nghị định 171 và Nghị định 86, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng đây là vấn đề thực tế cần nghiêm túc nhìn nhận để sửa đổi.
“Những trường hợp đặc thù phải xem xét tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động theo thông lệ quốc tế và cần có ràng buộc để không xảy ra tham nhũng”, Bộ trưởng khẳng định và giao Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải ghi nhận đề xuất của doanh nghiệp để có đánh giá, báo cáo cụ thể khi tổng kết Bộ luật Hàng hải Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
baogiaothong