Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển trong quý 3 có phần giảm sút, nhưng tổng kết năm kết quả hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành này vẫn báo lãi.
Theo đại diện Cảng Hải Phòng: Năm 2023, Cảng cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Sản lượng hàng hóa thông qua đạt 37,971 triệu tấn, tăng 0,1% so với năm 2022. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 102,3% kế hoạch năm. Đây là kết quả thực hiện các giải pháp trọng tâm như tăng cường công tác tiếp thị, tổ chức khai thác linh hoạt, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là công tác quản lý phương tiện thiết bị, sử dụng vật tư, nhiên liệu…
Trong năm 2023, Cảng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị máy chủ và thiết bị công nghệ thông tin dự phòng phục vụ ứng cứu sự cố; thực hiện chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực. Tại dự án xây dựng bến số 3,4 Lạch Huyện, Cảng Hải Phòng hoàn thành giải ngân 100% theo kế hoạch năm, hoàn thành thiết kế cảng thông minh, tổ chức thẩm tra thiết kế chi tiết và dự toán hệ thống công nghệ thông tin.
Cụ thể, kết thúc quý III/2023, Công ty CP Cảng Hải Phòng ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất với mức lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý đạt 198 tỷ đồng, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Cảng Hải Phòng ở mức gần 163 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (hơn 181 tỷ đồng). Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp có mức lợi nhuận sau thuế đạt 618,4 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của lãnh đạo Công ty CP Cảng Hải Phòng, doanh thu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm trong quý do sự cạnh tranh của các cảng biển trong khu vực. Dự kiến, năm 2024 phấn đấu đạt sản lượng khai thác 36.520.000 tấn, doanh thu đạt 2.310 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 840 tỷ đồng…
Theo Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí Đình Vũ: Công ty có lãi sau thuế quý III đạt 2,3 tỷ đồng, tăng tới hơn 516% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, trong quý III/2023, doanh thu từ hoạt động khai thác hàng container tổng hợp của cảng tăng mạnh 38,42% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu từ hoạt động dịch vụ tổng hợp dầu khí tăng tới 137%.
Trong khi đó, cũng tại Công ty CP Cảng Xanh VIP lại ghi nhận lãi sau thuế quý III/2023 ở mức 74,8 tỷ đồng, tăng gần 19,3%. Còn tại Cảng Đà Nẵng trong quý III đạt mốc doanh thu 319 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp về bán hàng ghi nhận ở mức 111 tỷ đồng, giảm nhẹ 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn tăng 3%, đạt 67 tỷ đồng.
Công ty CP Cảng Cam Ranh cũng có kết quả kinh doanh tích cực khi báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp cho thấy lợi nhuận sau thuế đạt mức 3 tỷ đồng trong quý III, tăng hơn 40% so với cùng kỳ.
Đại diện Cảng Cam Ranh cho biết trong quý, doanh nghiệp giảm một số chi phí quản lý và hạch toán khoản ưu đãi thuế, tiền thuê đất. Do đó, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng.
Khu vực miền Nam, Công ty CP Cảng Sài Gòn ghi nhận lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 là 95,6 tỷ đồng, tăng 65,8 tỷ đồng (trên 10%) so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp trong quý lại chỉ đạt 76,6 tỷ đồng, giảm 19,5 tỷ đồng so với năm 2022. Nguyên nhân do doanh thu của hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng giảm mạnh, trong khi giá vốn hàng bán chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.
Một trong những doanh nghiệp khai thác cảng biển lớn là Công ty CP Gemadept cũng có điểm sáng trong bức tranh tài chính của thị trường cảng biển khi có lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp trong quý III đạt 338 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt hơn 254 tỷ đồng, tăng khoảng 4%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 2.310 tỷ đồng, tăng 145%. Trong đó, lợi nhuận của doanh nghiệp tới từ hoạt động khai thác cảng và logistics tăng và lợi nhuận từ hoạt động chuyển nhượng vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ và lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết.
Theo các chuyên gia, thị trường cảng biển trong những tháng cuối năm 2023 chưa có nhiều chuyển dịch rõ nét. Tuy nhiên, thị trường đang có những tín hiệu tích cực hơn. Còn theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2023, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 564,917 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), tăng 3%.
Trong đó, hàng xuất khẩu giảm 1%, đạt 132,743 triệu tấn; Hàng nhập khẩu tăng 5%, đạt 165,342 triệu tấn. Hàng nội địa cũng tăng 3%, đạt 264,764 triệu tấn và hàng quá cảnh xếp dỡ đạt 2,068 nghìn tấn. Đây là những dấu hiệu cho thấy thị trường vận tải biển đang dần có những sự khởi sắc sau nhiều tháng sản lượng hàng hóa liên tục giảm.
Theo giới chuyên gia, thị trường vận tải biển thế giới quý 1/2024 vẫn tiếp tục diễn biến tích cực. Theo dự báo, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam và tổng sản lượng hàng hóa quốc tế qua cảng biển sẽ tăng 10% trong năm nay. Bên cạnh đó, ngành cảng biển tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay nhờ hoạt động xuất nhập khẩu sôi động và cùng đó việc Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn dòng vốn FDI.
TRUNG THÀNH – TẠP CHÍ DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP