Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) từ đầu năm 2022 đến nay liên tục đón nhận tin vui và nhiều kỷ lục mới đã được xác lập.
Toàn cảnh cảng CMIT, một trong những cảng container tiên phong trong việc đón các tàu trọng tải lớn.
Xác lập nhiều kỷ lúc mới
Sau 1 năm đi vào hoạt động, tháng 3/2022, Gemalink chính thức đạt 1 triệu TEU thông qua cảng, lập kỷ lục mới trong ngành khai thác cảng Việt Nam.
Ông Đỗ Công Khanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadept (chủ đầu tư cảng Gemalink) cho biết, đi vào hoạt động ngay giữa tâm dịch, đơn vị phải đối mặt với không ít thách thức khi chuỗi cung ứng đứt gãy, tàu bỏ chuyến và trễ lịch thường xuyên. Thế nhưng, cảng Gemalink đã khẳng định được vai trò xuất sắc khi giữ vững sự thông suốt của dòng chảy hàng hóa, giải tỏa sự ách tắc tại khu vực cảng biển CM-TV. Qua đó, đưa hàng hóa Việt Nam kết nối trực tiếp với châu Mỹ, châu Âu và toàn vùng nội Á.
Với sự ủng hộ cao về nguồn hàng từ hãng tàu CMA-CGM và các hãng tàu đối tác như: Maersk Line, Cosco, Evergreen và OOCL, Gemalink không chỉ đóng góp đến 15% thị phần khai thác cảng của cụm cảng CM-TV mà còn góp phần nhân đôi sản lượng khai thác toàn hệ thống cảng phía Nam của Gemadept.
Đánh giá từ các hãng tàu cho biết, ngay sau khi đi vào vận hành giai đoạn 1 từ tháng 1/2021, Gemalink đã trở thành một cảng kiểu mẫu và đã ghi tên vào Top 19 thương cảng của thế giới có khả năng tiếp nhận thế hệ siêu tàu Megaship lớn nhất thế giới hiện nay.
Sau 1 năm đi vào hoạt động, tháng 3/2022, Gemalink chính thức đạt 1 triệu TEU thông qua cảng, lập kỷ lục mới
Mới đây, ngày 8/4/2022, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã thiết lập mức kỷ lục mới về sản lượng hàng hóa xếp dỡ sau khi tiếp nhận thành công tàu MSC VANDYA, có trọng tải 154.185 DWT tương đương với sức chở 13.106 TEU do hãng tàu MSC khai thác trên tuyến dịch vụ PEARL/ TP6 của liên minh 2M kết nối Việt Nam với bờ Tây nước Mỹ. Tàu MSC VANDYA cập CMIT để xếp dỡ gần 14.700 TEU hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và trung chuyển, chỉ trong khoảng 55 giờ với năng suất bến lên đến 135 container/giờ. Đây là mức sản lượng hàng hóa lớn nhất trên một chuyến tàu mẹ mà CMIT từng thực hiện xếp dỡ.
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc cảng CMIT, các tàu cập CMIT có trọng tải lớn nhất đến 214.121 DWT và sản lượng mỗi chuyến tăng cao lên đến mức kỉ lục như tàu MSC VANDYA là xu hướng phát triển mạnh mẽ của cụm cảng CM-TV. Chuyến tàu MSC VANDYA với sản lượng xếp dỡ kỷ lục tại CMIT chính là “trái ngọt” và minh chứng cụ thể nhất cho các nỗ lực của Chính phủ trong việc đầu tư nâng cấp hạ tầng hàng hải.
Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc khai thác tàu và vận tải của Hãng tàu Maersk tại Việt Nam đánh giá, CM-TV là cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam và cũng là điểm đến thu hút hàng trung chuyển quá cảnh. Từ CM-TV, các hãng tàu có thể triển khai được các tàu lớn và tuyến dịch vụ nối thẳng từ Việt Nam đến các thị trường lớn trên thế giới, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc phải trung chuyển qua cảng chuyển tải. Năm 2021, Maersk đã triển khai được các tàu thế hệ Triple E như Margrethe Maersk, Merete Maersk đến cảng CMIT và Gemalink; triển khai thêm 2 tuyến dịch vụ trực tiếp kết nối cụm cảng CM-TV với các cảng quan trọng tại Bắc Mỹ. Thời gian tới, hãng vẫn tiếp tục xem cụm cảng CM-TV là một trong những khu vực trọng điểm để thúc đẩy tăng trưởng.
Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng TCIT.
Đạt công suất trên 90%
Báo cáo từ Hiệp hội Cảng biển cho biết, khu vực cảng nước sâu CM-TV có trọng tải tối đa 160.000-200.000 DWT. Với mức trọng tải này, các tàu mẹ có trọng tải lớn sẽ không gặp vấn đề khi cập cảng làm hàng. Nhờ đó, thời gian qua lượng tàu mẹ cập CM-TV không ngừng gia tăng. Hiện tổng sản lượng tại các cảng TCCT, TCIT, CMIT, TCTT và SSIT… đều đã đạt công suất trên 90%.
Các DN kinh doanh cảng đang kỳ vọng sản lượng hàng container thông qua khu vực cảng CM-TV sẽ tăng tốc phục hồi trên 20% trong năm 2022 nhờ các hoạt động sản xuất, vận tải được thông suốt và nhu cầu tiêu dùng tại thị trường châu Âu, Mỹ phục hồi.
Theo ông Trần Kim Vĩnh Thọ, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, với vị trí địa lý gần tuyến hàng hải chính, có điều kiện tự nhiên thuận lợi và hệ thống luồng hàng hải hiện đại, CM-TV đã đáp ứng được 6/8 tiêu chí cơ bản để hình thành cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Ngoài ra, cảng cũng đã thu hút, liên kết được với nhiều tập đoàn vận tải biển, tập đoàn khai thác cảng lớn trên thế giới và thu hút được các hãng tàu hàng đầu thế giới đưa tàu ghé cảng. Cơ sở hạ tầng “mềm” và kết cấu hạ tầng sau cảng đồng bộ, phù hợp.
Tuy nhiên, dù tăng trưởng ấn tượng nhưng các DN đang hoạt động tại cụm cảng nước sâu CM-TV cũng gặp khó khăn nhất định do hạ tầng kết nối giao thông chưa thực sự đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, xếp dỡ hàng hóa.
Để giải quyết những khó khăn này, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, giai đoạn 2021-2030, tỉnh dự kiến sẽ triển khai nhiều dự án giao thông nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi đến cụm cảng nước sâu CM-TV như: đường 991B, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Đặc biệt, Bộ GT-VT đã chấp thuận chủ trương triển khai Dự án đầu tư nâng cấp luồng hàng hải vào cụm cảng Cái Mép có độ sâu đến 15,5m vào năm 2022. Với độ sâu này, CM-TV có khả năng tiếp nhận mọi tàu mẹ.