Ngày 7-10, Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (nghị quyết 24). Với nghị quyết này, Bà Rịa – Vũng Tàu càng có cơ hội lớn, có cơ sở để trở thành một cực tăng trưởng quan trọng cho vùng kinh tế phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Ngay sau khi ban hành nghị quyết, cuối tháng 10-2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì hội nghị quán triệt thực hiện. Việc này chứng tỏ tầm quan trọng của vùng kinh tế Đông Nam Bộ đối với sự phát triển chung của cả quốc gia.
Theo đánh giá và qua thực tế, cảng nước sâu dài gần 20km Cái Mép – Thị Vải của Bà Rịa – Vũng Tàu hoàn toàn có thể trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Đây là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng và cả khu vực phía Nam.
Cái Mép – Thị Vải là cảng duy nhất của Việt Nam và là một trong 20 cảng lớn trên thế giới nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, hiệu quả.
Đây là lợi thế, nguồn tài nguyên quý báu để phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia với trọng tâm là hình thành “Khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ.
Hiện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang lập quy hoạch trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích 1.700ha, với mục tiêu hình thành các khu công nghiệp gắn với các đô thị công nghiệp, đô thị ven biển tại thị xã Phú Mỹ.
Đặc biệt hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức giữa cảng Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành, các trung tâm công nghiệp lớn tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ đang được đẩy mạnh đầu tư.
Việc này sẽ bảo đảm tính liên kết đồng bộ, liên hoàn trong vùng Đông Nam Bộ với các vùng khác trên cả nước và các quốc gia.
Theo đó, cấu trúc khu thương mại tự do Cái Mép Hạ tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có ba lớp sinh thái gồm: cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, trung tâm logistics và công viên công nghiệp.
Chưa hết, việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với hành lang công nghiệp – đô thị Đông Tây dài gần 300km kéo từ Mộc Bài (Tây Ninh) đến Cái Mép – Thị Vải sẽ tạo ra lợi thế so sánh vượt trội của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Từ đó phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.
Cơ hội để Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia và thành một cực tăng trưởng quan trọng của đất nước là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn như đã nói ở trên. Ngoài ra còn có những “bệ đỡ” quan trọng khác.
Đó là vùng Đông Nam Bộ có thị trường lớn, sức mua dồi dào với gần 20 triệu dân, đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,58 lần so với cả nước.
Đông Nam Bộ là vùng có hệ sinh thái sản xuất hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Ông Phạm Viết Thanh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, với quan điểm phát triển đồng bộ, nhanh, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn tiếp cận theo hướng tối ưu hóa nguồn lực và các cơ hội phát triển.
Đồng thời hạn chế cạnh tranh nội vùng mà cùng với các tỉnh, thành trong vùng đồng tâm, hiệp lực để tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam với các quốc gia khác.
Trước đây, sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ xoay quanh hai “tâm” chính là sân bay Tân Sơn Nhất và hệ thống cảng Sài Gòn.
Nhưng từ nhiều năm qua, “tâm” của hàng hóa xuất nhập khẩu qua ngõ cảng biển đã dịch chuyển về cảng Cái Mép – Thị Vải của Bà Rịa – Vũng Tàu.
Còn “tâm” của ngành hàng không trong vài năm tới cũng sẽ chuyển từ Tân Sơn Nhất về Long Thành khi sân bay này hoàn thành.
tuoitre