Ngày 04/12/2023 vừa qua, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh trình UBND Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP) với mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Cầu Thủ Thiêm 4 có thiết kế rất độc đáo, chiều dài khoảng 2,16km, phần cầu dài khoảng 1.635 mét, phần đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 525 mét, thiết kế 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp), có kết cấu nhịp chính là dầm thép – bê tông cốt thép (BTCT), bố trí 2 trụ tháp bằng BTCT cùng với hệ nâng; nhịp dẫn sử dụng dầm BTCT dự ứng lực. Tĩnh không thông thuyền nhịp chính qua sông Sài Gòn sẽ được điều chỉnh linh hoạt, khi hoạt động bình thường cầu sẽ có tĩnh không 15 mét (ngang 80 mét); khi có tàu lớn đi qua thì tĩnh không sẽ được nâng lên 45 mét, giúp các tàu khách quốc tế có kích thước lớn lưu thông trên sông Sài Gòn và cập cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (Cảng Sài Gòn) để tham quan, du lịch tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy với thiết kế mới, hiện đại, độ tĩnh không thông thuyền cao so với kiến trúc dự tính ban đầu, phù hợp với tinh thần mong muốn tại hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn” do Cảng Sài Gòn đề xuất nhằm mục đích bảo tồn di sản văn hóa Cảng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh hơn 160 năm hình thành và phát triển, đồng thời phát huy thế mạnh về vị trí địa lý để phát triển Cảng du lịch quốc tế tại khu vực Nhà Rồng – Khánh Hội, được báo Nhân Dân tổ chức tại Hội trường Cảng Sài Gòn vào ngày 18/08/2023 vừa qua. Hội thảo đã thu hút sự tham gia và đóng góp ý kiến của rất nhiều lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo, đài cùng các chuyên gia, kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu uy tín và nhiều kinh nghiệm trong các ngành liên quan.
Nhìn lại các nội dung tham luận tại hội thảo:
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định, trong những năm qua, để mở rộng không gian phát triển đô thị, giải quyết sự quá tải về hạ tầng giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực, đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng vượt sông Sài Gòn. Khẳng định tầm quan trọng của cầu Thủ Thiêm 4 với Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí cho rằng, với vị trí cửa ngõ khu vực Cảng Sài Gòn, việc tính toán thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả Thành phố Hồ Chí Minh. “Thiết kế tĩnh không cầu cao, hay phương án cầu xoay, cầu mở sẽ giúp khu vực cảng Sài Gòn đón nhận được tàu biển cập bến, từ đó có thể quy hoạch lại Cảng Sài Gòn thành cảng du lịch quốc tế để phát triển kinh tế ven sông. Ngược lại thiết kế tĩnh không cầu thấp sẽ đánh mất đi tiềm năng sông nước tại khu vực này”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Du Lịch nêu rõ quan điểm: “Nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng – Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển để đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch. Nếu giữ nguyên thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 thấp thì Thành phố Hồ Chí Minh đã làm mất đi lợi thế của một khu vực đẹp nhất và hiếm có để làm kinh tế ven sông, kinh tế ban đêm”.
Cùng quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, nước ta chỉ có năm thành phố được coi là “thành phố Cảng” trong đó có Cảng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyên gia này cho rằng, mặc dù không gian của Cảng Sài Gòn – Thành Phố Hồ Chí Minh ngày càng vươn ra rất xa và chiếm lĩnh những không gian rất rộng lớn nhưng nếu tĩnh không thấp, tàu thuyền không lưu thông được thì thiếu vắng cảnh thuyền bè tấp nập, không gian trên bến dưới thuyền, đặc biệt là những phương tiện gắn với du lịch sông nước… thì hình ảnh hay thương hiệu “thành phố Cảng Sài Gòn” với bề dày hơn một thế kỷ rưỡi tồn tại cho đến nay sẽ phai nhạt và có khi không còn nữa.
Đồng quan điểm, PGS TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội nhập, gắn với sông nước, các công trình kiến trúc ven sông. Sài Gòn, Đồng Nai là những dòng sông thuần Việt rất hiếm. Do vậy, các con sông này cần được bảo vệ và có giải pháp phát huy lợi thế vốn có.
Tham gia trình bày tham luận tại hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Đường thủy là một lợi thế, một điểm mạnh của Thành phố cần được khai thác một cách hiệu quả. Sở Du lịch Thành phố đề xuất cần đa dạng các tuyến sản phẩm du lịch như tầm ngắn, tầm trung, tầm xa qua việc thêm các loại hình dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến, trên phương tiện thủy; có chính sách liên quan đến việc tiếp nhận các tàu biển lớn được cập cảng biển ở khu vực trung tâm Thành phố nhằm khai thác hiệu quả Cảng Sài Gòn; kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách từ Sài Gòn đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại…
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng Hải hải Việt Nam khẳng định: Về cá nhân, ông hoàn toàn ủng hộ các ý kiến, quan điểm về giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị bảo tồn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế ven sông, kinh tế đêm tại khu vực dự kiến xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Cục Hàng hải cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc tính toán tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 cần tương đồng với quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố; đặc biệt với cầu Phú Mỹ (vốn có tĩnh không thông thuyền lên tới 45m – TG) đã được xây dựng trước đó.
Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh đang có một lợi thế rất lớn để phát triển du lịch đường biển mà ít thành phố nào trên thế giới có được. Cảng Sài Gòn cũng là nơi kết nối với các tuyến du lịch nội khu Đông Nam Á. “Sông Sài Gòn chính là nền văn minh Nam Bộ, tôi cho rằng, chúng ta cần phải tính toán kỹ phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4, bởi chỉ cần tĩnh không sai sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải -du lịch trên sông. 90% du khách của tôi vào Vũng Tàu đều về TP Hồ Chí Minh hết. Tại sao chúng ta tự cắt nguồn lợi lớn như vậy? Xin giữ lại Cảng Sài Gòn vì đây là nguồn lực nếu chúng ta biết khai thác đúng mức”, ông Xuân Anh bày tỏ.
Nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình cho rằng: “Đáng ra, giá trị của Cảng Sài Gòn về du lịch đã phải được khẳng định từ rất lâu. Thành phố Hồ Chí Minh cần phải giữ thương hiệu Thương cảng Sài Gòn. Nếu Thành phố Hồ Chí Minh không kể được các câu chuyện quá khứ, bằng các địa danh từ quá khứ thì sẽ rất đáng tiếc”, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng “Du lịch biển tiếp cận được vào trung tâm thành phố là một lợi thế không phải thành phố nào cũng có được. Chúng ta không thể giải thích được lý do vì sao cầu Phú Mỹ có tĩnh không 45m mà tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 lại dự kiến chỉ có 10m. Nâng tĩnh không cầu có thể tăng chi phí hiện tại nhưng sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu nhìn vào tương lai. Chúng tôi thực sự mong muốn thành phố tính toán lại để không đánh mất lợi thế quan trọng này”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Ông An Sơn Lâm, đại diện doanh nghiệp du lịch hoạt động trên sông Sài Gòn 20 năm qua cũng cho rằng: “Cảng Sài Gòn vốn đã là địa danh mang rất nhiều giá trị về văn hóa và lịch sử. Tôi cho rằng, cần cân nhắc rất kỹ khi xây dựng các cây cầu mới, với tầm nhìn dài hạn cho tương lai”.
Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khẳng định, TP Hồ Chí Minh có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế và du lịch đường biển. Để giữ lại những lợi thế, phát huy giá trị lịch sử, cần trách nhiệm của cả cộng đồng, đặc biệt của những người đứng đầu thành phố. “Tôi cho rằng, với một vị trí, một lợi thế đặc biệt như thế, Thành phố Hồ Chí Minh cần tìm cách đầu tư, duy trì và bảo tồn”, ông Sơn nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn hy vọng có những giải pháp mở, giúp việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 có tĩnh không đủ để tàu lớn ra vào đồng thời tận dụng và phát huy tĩnh không hiện nay sẵn có của cầu Phú Mỹ là 45 mét để các tàu du lịch, tàu khách lớn có thể vào sâu trong khu vực trung tâm Thành phố. Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Chơn Tâm cũng từng chia sẻ Cảng Sài Gòn mong muốn đề nghị lãnh đạo Thành phố cùng các sở ban ngành tham khảo kiến trúc Cầu Tháp (Tower Bridge) ở Luân Đôn và nghiên cứu phương án tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 phù hợp để Cảng Sài Gòn tiếp tục khai thác và duy trì một thương cảng đã có lịch sử rất lâu đời, đồng thời kỳ vọng cầu Thủ Thiêm 4 sẽ trở thành một trong biểu tượng văn hóa – du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh xứng tầm thế giới.
Ông Tâm chia sẻ thêm, Cảng Sài Gòn cũng đang trình đề xuất, kiến nghị UBND TPHCM về việc xem xét thay đổi quy hoạch khu vực Nhà Rồng – Khánh Hội để Cảng Sài Gòn thay đổi công năng và biến khu vực này thành cảng hành khách quốc tế – du thuyền cùng với các công trình phụ trợ, trang trí cảnh quan ven sông để đón khách du lịch quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh tham quan du lịch.
Tại hội thảo, đồng chí Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quy hoạch của cầu Thủ Thiêm này đã có từ lâu. Do đó, trong quá trình triển khai, Sở Giao thông vận tải đã rất thận trọng; thường xuyên lắng nghe và tiếp thu các ý kiến liên quan; đồng thời nghiên cứu nhiều phương án, kịch bản thiết kế, trong đó có cả phương án làm hầm. Người đứng đầu Sở Giao thông vận tải thành phố khẳng định, qua hội thảo, cơ quan chức năng cũng đã sáng tỏ nhiều vấn đề. Sở Giao thông vận tải, với trách nhiệm cơ quan chuyên môn sẽ báo cáo tiếp thu và báo cáo lại với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố; cùng Sở Quy hoạch kiến trúc tham mưu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở tầm nhìn dài hạn. “Giao thông phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa – lịch sử”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.
Qua hội thảo, cho thấy nhu cầu chuyển đổi công năng bến cảng Nhà rồng – Khánh hội thành cảng du lịch quốc tế có quy mô hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hành khách và du lịch bằng đường biển, đường sông của TP.HCM là rất cần thiết và nhận được sự đồng thuận từ các chuyên gia. Đồng thời qua đó đã góp phần rất lớn và có tác động tích cực đến các sở, ban, ngành nhằm thay đổi thiết kế tĩnh không 45 mét cho cầu Thủ Thiêm 4 để phát huy tối đa du lịch trên sông và tiềm năng phát triển Cảng du lịch quốc tế theo đề xuất của Cảng Sài Gòn.
Bài viết: Chương Phạm – CSG