Tại Hội nghị lấy ý kiến về việc đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hầu hết các ý kiến đều chung nhận định rằng Cảng Cần Giờ là dự án, là cơ hội lịch sử của quốc gia, song quá trình triển khai cần có một cái nhìn mang tính tổng thể từ nhiều phía.
Bên lề hội nghị này, PV VOV Giao thông đã ghi nhận ý kiến của PGS Tiến Sĩ Viên Ngọc Nam – Giảng viên khoa Lâm Nghiệp trường Đại học Nông Lâm TPHCM; Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu – Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam và PGS TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về nội dung này:
PV: Là một trong những người đầu tiên tham gia công tác trồng rừng tại Cần Giờ, giờ đây TPHCM đang có cơ hội có 1 cảng biển tại khu vực này. Ông nhận định như thế nào về thời cơ này và cảng biển này sẽ tác động ra sao với rừng ngập mặn?:
PGS Tiến Sĩ Viên Ngọc Nam: Tôi nghĩ việc xây dựng cảng theo mô hình ban đầu thì có 1 số hạn chế. Nếu đánh đổi rừng để làm cảng thì không nên, cố gắng giữ lại rừng và nghiên cứu dịch chuyển vị trí cảng về phía biển thì sẽ không tác động nhiều đến rừng mà cảng vẫn phát triển được.
Bên cạnh đó, khi xây dựng xong thì cảng cũng sẽ hỗ trợ ngăn chặn sóng, cũng như giúp cho 2 đảo là Cù lao ông Chó và Thạnh An được bồi lắng lại và ổn định hơn, vì vậy tôi đánh giá khá cao về mặt môi trường.
Ngoài ra, về sau này khi cảng phát triển, các tàu lớn vào nhiều sẽ xả khói thì chính rừng. Sẽ hấp thụ khí CO2, giảm thểu khí nhà kính, đây là việc quốc tế công nhận, nên chúng ta cũng cần xem xét thêm.
PV: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, từ góc nhìn lịch sử bà nhận định ra sao về đề án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Vùng đất Nam Bộ nói chung, TPHCM nói riêng trong lịch sử đã có những cảng lớn mang tầm vóc khu vực, ví dụ như 2000 năm trước ta có cảng thị sơ khai ở Cần Giờ với tầm hoạt động trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí xa hơn đến vùng biển Ấn Độ.
Các cảng này vừa có vai trò là đầu mối nối tiếp những tuyến hàng hải ven biển với lục địa nhưng quan trọng hơn là vai trò trung chuyển hàng hoá từ Đông Nam Á đến các lục địa khác. Do đó, khi chúng ta xây dựng những công trình hiện đại thì cũng nên chú ý các đặc điểm văn hoá lịch sử của khu vực ấy để việc triển khai thuận lợi hơn.
Tất nhiên là khi đầu tư các công trình mới hiện đại luôn luôn hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế hoặc cao hơn là phát triển bền vững, vì vậy cái tâm thế khi đánh giá hay xây dựng công trình thì cần lưu ý không nên chỉ đánh giá cái gì mình được hay mất mà cần đánh giá toàn diện, tỉnh này tỉnh kia hay ngành này ngành kia đều như nhau. Ví dụ mất cái gì thì tất cả cùng mất còn nếu được thì không chỉ TP.HCM được mà nền kinh tế khu vực phía Nam hay rộng hơn là cả nước được.
PV: Thưa ông Trần Đình Thiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng với cách làm như trước giờ thì nhiều khả năng dự án đầu tư phát triển cảng Cần Giờ nhiều khả năng sẽ bỏ lỡ cơ hội. Ông nhận định ra sao về quan điểm này?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Cần xem đây là toạ độ đột phá, dự án ưu tiên và để làm được thì phải ghi chính thức vào quy hoạch, theo nghĩa đó thì đây là cơ hội rất lớn. Cần thấy rằng năng lực nhận biết cơ hội của Việt Nam không phải kém mà cơ hội đến với Việt Nam cũng không phải ít nhưng khi cơ hội đến gần, nhận biết xong lại không làm hoặc có tâm lý tưởng rằng sẽ chớp lấy được nhưng thực tế không phải thế.
Thời buổi này là tốc độ, nếu không làm thì người ta bỏ đi mất, do đó phải có quyết định thật nhanh. Cách triển khai của Bộ GTVT, của TPHCM hay vùng Đông Nam Bộ với cụm cảng này (chứ không chỉ riêng cảng Cần Giờ) theo tinh thần đó thì mới thành công được. Còn nếu làm theo kiểu quy hoạch truyền thống thì chúng ta sẽ mất cơ hội.
Huy Hoàng – VOV Giao Thông