Chiều nay (9/2), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có buổi làm việc với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC).
Chúc mừng VIMC đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, tái cơ cấu thành công để có được diện mạo mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: VIMC là đơn vị chủ lực trong chiến lược dài hạn về kinh doanh lĩnh vực hàng hải, đóng góp vào sự phát triển KT-XH.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam chiều nay (9/2).
Nhận định thời gian tới lĩnh vực hàng hải còn đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là khối vận tải biển, Bộ trưởng đề nghị VIMC chủ động đưa ra các giải pháp linh hoạt để kịp thời nắm bắt nguồn lực, triển khai các dự án đầu tư phù hợp nhằm tăng năng lực cạnh tranh, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững trong hoạt động kinh doanh.
“Riêng mảng vận tải biển, đây là lĩnh vực kinh doanh quan trọng, VIMC phải tập trung phát triển đội tàu cả về số lượng và chất lượng để nâng cao hơn nữa năng lực vận tải hàng hóa. Việc đầu tư phải làm từng bước, chắc chắn, tính toán thận trọng để giảm rủi ro”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Tổng công ty Hàng hải VN tăng cường chuyển đổi số.
Liên quan tới những vướng mắc trong quy định hiện hành về đăng ký, xóa đăng ký, mua, bán, đóng mới tàu biển tại Nghị định 171 và Nghị định 86, Tư lệnh ngành GTVT cho rằng đây là vấn đề thực tế cần nhìn nhận để sửa đổi.
“Những trường hợp đặc thù phải xem xét tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động theo thông lệ quốc tế và cần có ràng buộc để không xảy ra tham nhũng”, Bộ trưởng khẳng định và giao Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải ghi nhận đề xuất của doanh nghiệp để có đánh giá, báo cáo cụ thể khi tổng kết Bộ luật Hàng hải Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Đối với đề xuất sửa đổi Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, Bộ trưởng đề nghị VIMC phối hợp với các đơn vị liên quan, đánh giá cụ thể những tác động của việc tăng giá, phí cảng biển đến CPI, đến các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. “Cục Hàng hải cần đăng ký ngay việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư 54 trong kế hoạch năm 2023 để sớm thực hiện”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Dành sự quan tâm lớn đến việc bố trí kinh phí nạo vét, duy tu luồng hàng hải, theo Bộ trưởng, công tác nạo vét luồng hàng hải đóng vai trò rất quan trọng, tạo đà cho cảng biển, vận tải biển phát triển, các Vụ chuyên môn của Bộ GTVT cần tham mưu phương án để hoạt động duy tu kết cấu hạ tầng hàng hải có thêm kinh phí.
“Những khó khăn trong việc tìm kiếm khu đổ thải chất nạo vét, doanh nghiệp và các đơn vị cũng cần trao đổi trực tiếp với các địa phương để tìm cách tháo gỡ trong thời gian sớm nhất”, Bộ trưởng nói.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC thông tin về hoạt động kinh doanh của đơn vị
Thoát lỗ triền miên, lợi nhuận doanh nghiệp tăng vọt
Trước đó, thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC cho biết, giai đoạn 2016-2022 là khoảng thời gian Tổng công ty Hàng hải VN từng bước phục hồi, phát triển. Các hoạt động kinh doanh chính như: cảng biển, vận tải biển dần mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp ngăn được đà thua lỗ triền miên, thoát khỏi nguy cơ phá sản của giai đoạn trước.
“Nếu giai đoạn 2011-2015, khoản lỗ của Tổng công ty Hàng hải VN lên tới 18.000 tỷ đồng thì đến năm 2015, doanh nghiệp đã bắt đầu có lãi. Giai đoạn 2015 – 2022, lợi nhuận toàn VIMC ước đạt 9.800 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện tại đã tăng lên 13.800 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2015.
Trong đó, lĩnh vực khai thác cảng biển mang lại hiệu quả kinh doanh cao với tốc độ tăng trưởng bình quân năm (từ năm 2020 đến 2022) đạt doanh thu tăng 9,2% và lợi nhuận tăng 4,4% .
Với khối vận tải biển, sau nhiều năm thua lỗ, khối vận tải biển đã đạt mức lợi nhuận tốt khi đạt 1.075 tỷ đồng vào năm 2021 và năm 2022, lợi nhuận toàn khối đạt 1.869 tỷ đồng”, ông Tĩnh dẫn chứng.
Hoạt động kinh doanh trên đà khởi sắc, song, lãnh đạo VIMC cũng thừa nhận doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Đối với khối cảng biển, khung giá các dịch vụ đang thấp so với các nước trong khu vực (bằng 50 – 70% so với các cảng biển khu vực Đông Nam Á). Trong khi chi phí đầu vào tăng cao khiến biên lợi nhuận của các cảng biển giảm sâu.
Hạ tầng luồng lạch, vùng phao neo và công tác di dời cũng còn nhiều vấn đề khi một số luồng ở khu vực Hải Phòng, Cam Ranh, Nghệ Tĩnh… bị sa bồi.
“Hiện nay, VIMC cũng đang gặp khó khăn vướng mắc trong đầu tư, phát triển đội tàu khi Nghị định 171 và Nghị định 86 quy định việc đầu tư mua tàu phải thông qua hình thức đấu thầu. Quy định này không theo thông lệ quốc tế”, ông Tĩnh chia sẻ.
Từ những khó khăn, lãnh đạo VIMC đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi và ban hành mới Biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam (Sửa đổi Thông tư 54/2018) theo hướng tăng phù hợp với từng loại dịch vụ và từng khu vực, tiệm cận với mức giá của các cảng biển tại khu vực Đông Nam Á, cao hơn so mức độ tăng chi phí bình quân các năm từ 2019 – 2023 nhằm nâng cao hơn hiệu quả kinh tế của tài nguyên biển/luồng lạch/cảng biển quốc gia.
Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi quy định về mua, bán tàu biển, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp.
“Cơ chế, chính sách “cảng mở” tại khu vực Hải Phòng và Cái Mép – Thị Vải cũng cần sớm được nghiên cứu, xây dựng nhằm tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm thời gian làm thủ tục Xuất nhập khẩu hàng hóa/transist cho các hãng tàu/chủ hàng, qua đó tăng năng lực cạnh tranh quốc gia”, lãnh đạo VIMC đề xuất.
baogiaothong