Đảm bảo phù hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia
Bộ GTVT đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về việc bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho biết việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch lần này nhằm đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15.
Cụ thể, theo Luật Quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.
Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Trường hợp quy hoạch ngành quốc gia có mâu thuẫn với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia hoặc các quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia”.
Ngoài ra, quá trình triển khai lập Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN và Liên danh tư vấn đã nghiên cứu rà soát, xây dựng các kịch bản quy hoạch phù hợp với các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KTXH của các Vùng miền, đồng thời đã cập nhật các định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có liên quan để xây dựng báo cáo quy hoạch hệ thống cảng biển đồng bộ, đáp ứng được các mục tiêu phát triển KT-XH của các vùng miền, địa phương.
“Việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội hiện nay”, đại diện Cục Hàng hải cho hay.
Bổ sung siêu cảng Cần Giờ vào quy hoạch
Điểm đáng chú ý trong đề nghị điều chỉnh quy hoạch lần này là việc bổ sung Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có phạm vi quy hoạch vùng đất và vùng nước tại cửa sông Cái Mép (bên trái luồng Vũng Tàu – Thị Vải) với chức năng trung chuyển container quốc tế. Quy mô, lộ trình đầu tư phù hợp với “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM” được cấp thẩm quyền phê duyệt; Cỡ tàu trọng tải đến 24.000 TEU (250.000 tấn) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện”.
Theo lý giải của Bộ GTVT, việc bổ sung mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) phù hợp với Nghị quyết 81/2023 ngày 9/1/2023.
Với sự xuất hiện của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng biển TP.HCM cũng được đề xuất phân loại là cảng biển đặc biệt (cùng với cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu).
Theo Bộ GTVT, việc bổ sung thêm “cảng biển TP.HCM quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt” là do sau khi hình thành bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng biển TP.HCM đủ tiêu chí phân loại là cảng biển đặc biệt theo quy định tại Bộ luật Hàng hải năm 2015.
Bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) cũng được đề xuất bổ sung trong các dự án ưu tiên đầu tư.
Được biết, trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến về hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển VN thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KH&ĐT khẳng định: Việc Bộ GTVT đề xuất bổ sung mục tiêu quy hoạch phát triển “cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP.HCM là có cơ sở.
Thông tin thêm, Bộ KH&ĐT cho hay: Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra định hướng xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – TP.HCM.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT lưu ý: Tại khu vực Đông Nam bộ dự kiến quy hoạch 2 cảng biển đặc biệt là cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và cảng biển TP.HCM có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế, vì vậy Bộ GTVT cần nghiên cứu, làm rõ vị trí, vai trò và phương án phân chia luồng hàng hóa qua cảng biển này.