Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải là hai cảng nước sâu, có mức giá xếp dỡ cao nhất cả nước.
Tin từ Cục Hàng hải VN, tại các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp cảng hoạt động, có sự cạnh tranh cao như Hải Phòng (trừ cảng nước sâu Lạch Huyện), TP. HCM, Vũng Tàu, giá dịch vụ bốc dỡ container hiện nay đều áp dụng mức giá bằng giá tối thiểu.
Là hai cảng nước sâu, mức giá bốc dỡ container tại cảng Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện cao hơn các khu vực khác. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, tại hai cảng biển nước sâu là Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện, giá bốc dỡ đang ở mức cao nhất theo quy định tại Thông tư số 54/2018 về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.
Theo khảo sát của Báo Giao thông, từ năm 2023, mức giá xếp dỡ container xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất (có hàng) tại hai cảng nước sâu này đều được áp dụng ở mức giá trần trong khung giá này.
Cụ thể, tại Cảng container quốc tế Tân cảng Hải Phòng (Lạch Huyện), giá xếp dỡ container xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất (có hàng) đang ở mức 60 USD/cont 20 feet và 88 USD/cont 40 feet.
Tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, giá xếp dỡ của Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng tương tự. Tại cảng Gemalink, mức giá dịch vụ bốc dỡ container quốc tế từ năm 2023 cũng niêm yết ở mức tối đa khi giá xếp dỡ container xuất, nhập khẩu tại cảng này (tính cả thuế) là 61,11 USD/cont 20 feet và 89,63 USD/cont 40 feet.
Theo quy định khung giá tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT, giá bốc dỡ tại hai cảng nước sâu Cái Mép và Lạch Huyện có mức từ 52-60 USD/cont 20 feet có hàng và 77-88 USD/container 40 feet có hàng.
Trong khi đó, giá bốc dỡ tại các cảng biển khu vực I là 33-53 USD/cont 20 feeet và 50-81 USD/cont 40 feet. Tại khu vực II, mức giá bốc dỡ là 45-59 USD/cont 20 feet và 68-89 USD/cont 40 feet. Riêng khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long có mức giá bốc dỡ thấp nhất với 21-27 USD/cont 20 feet và 31-41 USD/cont 40 feet.
Thực tế, khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu được quy định chia theo từng khu vực I, II, III và cảng biển nước sâu (Cái Mép – Thị Vải và Lạch Huyện). Mức giá tại từng khu vực khác nhau, trong đó mức giá tại khu vực I thấp nhất, bằng 72% khu vực II, 80% khu vực III. Biên độ chênh lệch giữa giá tối thiểu và giá tối đa khoảng 20-40%.
Theo Cục Hàng hải VN, thời gian đầu khi ban hành khung giá, tất cả doanh nghiệp cảng biển trên cả nước đều áp dụng giá tối thiểu, do không đàm phán được với hãng tàu để nâng giá dịch vụ.
“Nhưng từ năm 2021 đến nay, một số doanh nghiệp cảng biển đã áp dụng được mức giá cao hơn giá tối thiểu, chủ yếu là các cảng ở khu vực ít có sự cạnh tranh như cảng quốc tế Cái Lân (Quảng Ninh ít cảng container), cảng Lạch Huyện (là cảng nước sâu duy nhất tại miền Bắc, hiện mới có 2 bến được đưa vào sử dụng, đón được tàu container trọng tải 140.000 DWT) và một số cảng ở miền Trung như Đà Nẵng”, Cục Hàng hải VN nhận định.
baogiaothong