Giá dịch vụ tại cảng biển vẫn tồn tại nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ.
Giảm cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh cảng biển
Hiện nay, kinh tế biển được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại.
Cụ thể, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển cần ưu tiên đầu tư bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng – an ninh và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng đó, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo, tăng cường hợp tác quốc tế về biển, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về giá, khắc phục triệt để những chồng chéo trong công tác quản lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, ngành hàng hải đóng vai trò quan trọng, là huyết mạch chính trong hệ thống lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế, đồng thời là trục kết nối các trung tâm kinh tế đầu mối của khu vực.
Theo các chuyên gia, cơ chế quản lý giá của nhà nước là công cụ hiệu quả trong việc bình ổn giá thị trường, giảm sự cạnh tranh không lành mạnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp cảng tăng nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, bình ổn giá ở những dịch vụ mang tính độc quyền.
Tuy nhiên, giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ.
Để góp phần giải quyết những thực trạng tồn tại, ThS. Hoàng Hồng Giang (Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN) và nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp quản lý giá dịch vụ cảng biển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.
Việc nghiên cứu đánh giá tổng thể cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nội dung cần thiết trong bối cảnh giá dịch vụ tại cảng biển vận hành theo cơ chế thị trường và nhà nước vẫn có chế tài quản lý để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá dịch vụ cảng biển
Theo Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cần thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá dịch vụ cảng biển. Đồng thời, hạn chế thấp nhất việc đưa các chính sách xã hội vào trong giá hàng hoá, dịch vụ.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh, nhà nước thực hiện quản lý giá dịch vụ tại cảng biển theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về giá, khắc phục triệt để những chồng chéo trong công tác quản lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Các hãng tàu hiện nay niêm yết giá khác xa với giá thực tế. Ảnh minh họa
Trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước cũng như học hỏi kinh nghiệm quản lý giá dịch vụ của các nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu nhận định, cần thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, cũng như bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá dịch vụ cảng biển, hạn chế thấp nhất việc đưa các chính sách vào trong giá hàng hoá, dịch vụ.
Cụ thể, dịch vụ hoa tiêu là dịch vụ công ích, một tuyến chỉ giao cho một công ty hoa tiêu đảm nhận, do vậy vẫn cần phải quy định giá tối đa để hạn chế tình trạng độc quyền tăng giá. Mức giá tối thiểu không mang lại ý nghĩa trong việc định giá hoa tiêu, nên có thể bỏ giá tối thiểu hoa tiêu để giảm bớt sự can thiệp hành chính vào giá thị trường.
“Đối với giá dịch vụ cầu bến hiện đã có dấu hiệu ổn định. Thị trường có thể tự điều tiết được giá này trên quy luật cung cầu, đề xuất không quy định giá dịch vụ sử dụng cầu bến trong danh mục hàng hoa, dịch vụ do nhà nước định giá (bỏ quy định khung giá)”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Trong khi đó, giá dịch vụ phao neo được đánh giá vẫn cần duy trì mức giá tối đa để hạn chế tình trạng độc quyền tăng giá. Đồng thời, không quy định mức giá tối thiểu do dịch vụ này không xuất hiện tình trạng cạnh tranh giảm giá. Việc bỏ giá tối thiểu cũng giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc điều chỉnh giảm giá cho khách hàng.
Với giá dịch vụ bốc dỡ container, nhóm nghiên cứu cho rằng việc duy trì giá dịch vụ bốc dỡ container tối thiểu vẫn là giải pháp ý nghĩa, hiệu quả cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, “đề xuất không quy định giá tối đa với dịch vụ bốc dỡ container, để khuyến khích doanh nghiệp cảng từng bước nâng cao giá dịch vụ tiệm cận với các nước trong khu vực”.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, khung giá dịch vụ tàu lai dắt cần được duy trì (giá tối thiểu và giá tối đa) để bảo đảm bình ổn thị trường giá dịch vụ, tránh tình trạng độc quyền tăng giá và ổn định hoạt động dịch vụ lai dắt.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất giải pháp với việc kê khai giá cho phù hợp với thực tế hoạt động và thông lệ quốc tế, đồng thời để giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Với giá dịch vụ thuộc diện niêm yết giá, cần bổ sung quy định về giá niêm yết và giá bán so với giá niêm yết vì thực tế, các hãng tàu niêm yết giá khác xa với giá bán thực tế.
“Do vậy, giá niêm yết như hiện nay không có ý nghĩa trong việc minh bạch giá cước”, nhóm nghiên cứu khẳng định.
Việc định giá dịch vụ tại cảng biển cũng cần đáp ứng một số quy định của pháp luật về phương pháp định giá, quan điểm của Đảng và nhà nước trong việc định giá dịch vụ, phương pháp xây dựng chi phí giá thành dịch vụ.
Cho rằng các giải pháp xây dựng khung giá phải có điều chỉnh để mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và đất nước, theo nhóm nghiên cứu, cần một số nội dung định hướng cho việc định giá dịch vụ tại cảng biển.
Theo đó, nhà nước thực hiện quản lý giá dịch vụ tại cảng biển theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Khung giá được xây dựng trên cơ sở cơ cấu giá thành thực tế của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại khu vực theo các văn bản hướng của Luật giá.
Ngoài ra, nguyên tắc định giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ có tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ.
Đối với phương pháp định giá, phải xây dựng theo cả phương pháp so sánh và phương pháp chi phí. Phương pháp định giá phải căn cứ đặc tính và giá trị sử dụng của từng loại hàng hóa, dịch vụ, các điều kiện cụ thể về sản xuất kinh doanh, về thị trường, lưu thông hàng hóa, dịch vụ cụ thể, tổ chức, cá nhân lựa chọn phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp với hàng hóa, dịch vụ cần định giá. Căn cứ định giá phải là giá thành của hàng hóa dịch vụ tại thời điểm định giá và so sánh với giá của dịch vụ tương tự trong nước và quốc tế.
Các chuyên gia dự báo trong tương lai, xu thế phát triển ngành hàng hải sẽ có bước thay đổi mạnh mẽ, quản lý hoạt động cảng biển theo công nghệ số hóa, phát triển cảng biển xanh, cảng thông minh, giảm thải khí thải… Những tiêu chí này đang là thách thức và áp lực tài chính cho doanh nghiệp cảng biển nói chung và cảng biển Việt Nam nói riêng. Nếu không có chính sách phù hợp để nâng cao hoạt động cảng biển và nguồn tài chính để tái đầu tư nâng cấp trang thiết bị phù hợp với xu thế mới, cảng biển Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước.
Do vậy, cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN sẽ là công cụ góp phần hỗ trợ cho hoạt động cảng biển hiệu quả hơn, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.