Thiếu hụt lao động ảnh hưởng lớn đến năng suất khai thác cảng. Nhiều cảng đã phải từ chối rất nhiều đơn hàng.
Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực bốc xếp hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động tại các cảng biển. Có cảng phải từ chối đơn hàng do thiếu công nhân.
Chính sách kiểm soát dịch bệnh đang đặt ra thách thức lớn về lực lượng lao động phục vụ khai thác cảng biển (Ảnh minh họa)
Gặp khó do thiếu công nhân bốc xếp
Ông Lê Thành Vẹn, PGĐ Công ty Cảng Lương thực sông Hậu cho biết, thực hiện chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Cần Thơ về việc vừa cách ly, vừa sản xuất, đơn vị này đã triển khai sản xuất “3 tại chỗ” từ ngày 22/7/2021.
Sau hơn một tháng thực hiện, đến nay, gần 30 công nhân đã xin không làm việc tiếp do tâm lý bị ảnh hưởng trong quá trình làm việc dài ngày, không được ra ngoài. Việc khai thác của cảng gặp nhiều khó khăn do không có lực lượng lao động bốc xếp.
“Thời điểm chưa có dịch, trung bình mỗi ngày cảng khai thác từ 2.000 – 3.000 tấn hàng với số lượng công nhân từ 100 – 120 người. Khi thực hiện “3 tại chỗ”, số công nhân giảm xuống chỉ còn khoảng 30 người với năng suất khai thác chỉ 400 – 500 tấn hàng/ngày”, ông Vẹn than.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, Cảng Lương thực sông Hậu đề xuất địa phương cho lực lượng công nhân khác nằm ở “vùng xanh” vào thay thế với cam kết khai báo y tế hàng ngày và đáp ứng quy định xét nghiệm Covid-19.
Tuy nhiên, BQL khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ không đồng ý.
Ông Lâm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Cần Thơ cho biết, quá trình khai thác, cảng Cần Thơ cũng đang gặp khó do thiếu hụt lao động. Dự kiến ban đầu, công nhân bốc xếp thực hiện 3 tại chỗ của cảng Cần Thơ là 25 – 30 người.
Tuy nhiên, hơn 1 tháng triển khai, chỉ còn 11 người, còn lại đều đã xin về.
“Thiếu hụt lao động ảnh hưởng lớn đến năng suất khai thác cảng, nhất là mặt hàng bao (gạo, phân bón). Thời điểm bình thường, năng suất khai thác hàng bao là 500 – 600 tấn/ngày, hiện chỉ đạt 20 – 30%. Cảng phải từ chối rất nhiều đơn hàng”, ông Dũng nói.
Tại cảng lớn như CMIT thuộc cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc cho biết, để bảo vệ “nguồn nhân lực xanh”, duy trì vận hành liên tục, cảng CMIT thực hiện “3 tại chỗ” từ ngày 17/7 đến nay với khoảng 350 nhân sự.
Chi phí cho 350 người tại cảng phát sinh đến hơn 1 tỷ đồng/tuần. Cùng đó, tâm lý người lao động bị ảnh hưởng sau khoảng thời gian dài làm việc trong môi trường hạn chế.
Số lượng người tham gia “3 tại chỗ” chỉ đủ để duy trì, không đáp ứng được nhu cầu khai thác linh hoạt khi sản lượng tăng.
Cách nào gỡ khó?
Lãnh đạo cảng CMIT cho biết, đã có văn bản kiến nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép đơn vị áp dụng các giải pháp quản lý người lao động linh hoạt hơn.
Cụ thể, CMIT đề xuất tiếp tục áp dụng “3 tại chỗ” đối với nhân viên có địa chỉ cư trú ở tỉnh khác và tại các “vùng đỏ”, “vùng cam” có nguy cơ cao ở nội tỉnh.
Đối với đội ngũ công nhân đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, cảng đề xuất được áp dụng đồng thời giải pháp: “Vùng xanh – 2 tại chỗ – cung đường xanh”.
Các địa phương cũng cần thống nhất quy định trong công tác phòng chống dịch, tránh đưa ra các quyết định không đồng bộ giữa các địa phương gây khó khăn cho hoạt động khai thác cảng biển.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN”
Trong đó, công nhân ở “vùng xanh” (cư trú ở “vùng xanh”, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và cam kết bằng văn bản thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch của địa phương/công ty; Nhân viên ở “vùng vàng” có nguy có thấp nhưng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine) được di chuyển hàng ngày giữa công ty và nơi ở.
“Cung đường xanh” đưa đón công nhân trong “vùng xanh” sẽ quy định một số điểm đón xanh (và có khu vực gửi xe) thay vì phải đưa đón người lao động tận nhà; Công ty sẽ cấp giấy đi đường có đầy đủ thông tin (nhân viên, địa điểm cư trú, điểm đón, khung giờ làm việc được bố trí) để phục vụ công tác kiểm soát của lực lượng chức năng.
Lái xe, nhân viên di chuyển trên cung đường xanh sẽ được xét nghiệm Covid-19, đo thân nhiệt, khai báo y tế theo quy định. Phương tiện sẽ được khử khuẩn ngay sau khi nhân viên xuống xe.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho rằng, hoạt động tại cảng biển được duy trì 24/7 và đòi hỏi nhiều công nhân thực hiện tác nghiệp bốc xếp hàng hóa.
Tuy nhiên, việc bố trí công nhân sẽ được thực hiện theo ca để bảo đảm giờ làm việc, nghỉ ngơi theo Luật Lao động.
Việc thực hiện “3 tại chỗ” trong thời gian dài phát sinh chi phí vận hành, ảnh hưởng tâm lý công nhân. Vì thế, giải pháp tối ưu để duy trì nguồn lao động cảng biển là tiêm vaccine để nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng.
Cơ quan chức năng cần xác định các đối tượng ưu tiên có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, trong đó có lực lượng lao động tại cảng biển để tiêm trước.
“Các biện pháp phòng dịch cần tương ứng với nguy cơ, rủi ro của từng vùng, không nên thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng trong thời gian dài. Những người ở trong khu vực an toàn cần được bỏ hạn chế đi lại để tham gia sản xuất”, ông Giang nói.
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã cùng ký văn bản kiến nghị Cục Hàng hải VN có ý kiến đề nghị các địa phương khẩn trương bố trí nguồn vaccine Covid-19, đặc biệt là mũi vaccine thứ 2 cho công nhân các ngành thiết yếu như: Khai thác cảng biển, vận tải đường bộ… và cấp cho họ “thẻ xanh thông quan” để họ trở lại làm việc bình thường.
Trường hợp công nhân có giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính, các địa phương cũng cần có cơ chế hỗ trợ linh hoạt hơn để họ có thể đi lại giữa nơi cư trú và cảng biển, vừa tạo tâm lý thoải mái cho công nhân, bảo đảm năng suất lao động, vừa giảm nguy cơ bùng phát ở dịch tại khu vực khai thác cảng khi thực hiện “3 tại chỗ”.
Nguồn: baogiaothong