Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số dự án nạo vét, thông luồng hàng hải chậm triển khai ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác, đón các tàu lớn…
Doanh nghiệp ngóng luồng
Đại diện cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, hiện tàu container vào Cái Mép – Thị Vải thường có trọng tải từ 110.000 – 190.000 DWT. Riêng đội tàu tuyến dịch vụ đi bờ Tây nước Mỹ mở đến cảng CMIT hàng tuần.
Tàu có tải trọng nhỏ nhất đã đạt đến 160.000 DWT, lớn nhất là “siêu tàu” Margrethe Maersk trọng tải hơn 214.000 DWT (hơn 20.000 Teus).
Các đơn vị vẫn đang tích cực hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công các dự án hàng hải trọng điểm trong bối cảnh dịch bệnh (Trong ảnh: Phối cảnh dự án hai bến số 3, 4 cảng Lạch Huyện)
Việc phát triển nhanh chóng về cỡ tàu khai thác là thách thức lớn khi tuyến luồng Vũng Tàu – Thị Vải kết nối đến CMIT dù đảm bảo độ sâu chuẩn tắc (-14m) quanh năm, việc đón tàu lớn vẫn gặp khó. Những con tàu sức chở lớn (8.000 Teus) trở lên vẫn phải chờ thủy triều mới mới có thể ra, vào thuận lợi.
Doanh nghiệp kỳ vọng sớm duy tu, nâng chuẩn tắc từ -14m lên -15,5m để các tàu trọng tải lớn có thể hành hải 24/7, giúp các bến cảng container tại cảng Cái Mép tăng sức cạnh tranh.
Tại khu vực ĐBSCL, ông Lâm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Cần Thơ cho biết, từ ĐBSCL đến các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam như: Philippines, Indonesia là gần nhất.
Tuy nhiên, hệ thống cảng khu vực chưa tận dụng được thế mạnh này. Năm 2020, dù tổng sản lượng xuất khẩu gạo của khu vực ĐBSCL đạt hơn 6 triệu tấn, song tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu từ các cảng biển nội vùng chỉ ước khoảng 10 – 20%.
“Do không nắm bắt được nguồn hàng tại chỗ, cụm cảng Cần Thơ chưa phát huy được hiệu quả đầu tư. Trong đó, bến cảng Cái Cui dù có công suất thiết kế khoảng 4,5 triệu tấn/năm nhưng những năm gần đây chỉ khai thác mức cao nhất khoảng 60 – 70% công suất”, ông Dũng than.
Theo ông Dũng, nguyên nhân là do luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố kết nối cảng có một số điểm cạn, chỉ đáp ứng những tàu có tải trọng 5.000 tấn đầy tải hoạt động thuận lợi.
Các tàu lớn hơn phải lợi dụng thủy triều (mớn nước lên 7,2 – 7,5m) nhưng tải trọng tàu hành hải cũng chưa được 20.000 DWT.
Ông Lê Văn Lăng, Giám đốc Công ty Vận tải biển Gia Long, một DN thường xuyên có tàu chạy ở Cần Thơ cho biết, trước đây, khi giai 1 luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố được hoàn thành, tàu trọng tải 10.000 DWT có thể lưu thông bình thường.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, có những con tàu chỉ 4.300 tấn của công ty cũng khó hành hải do vướng một số điểm cạn.
Dự án đầu tư xây dựng hai bến cảng số 3, 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) cũng đang ngóng chờ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa qua khu vực.
Dự kiến, dự án này sẽ được khởi công vào năm 2021, bắt đầu khai thác bến số 3 từ năm 2023 và hoàn thành cả hai bến vào năm 2025. Thế nhưng, việc thi công vẫn chưa được Công ty CP Cảng Hải Phòng (chủ đầu tư) chính thức triển khai.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, việc thực hiện đề án di dời Cảng Hải Phòng và triển khai xây dựng một số cầu đường bộ vượt sông Cấm sẽ khiến hàng hóa dịch chuyển ra khu vực Đình Vũ và Lạch Huyện. Trong khi đó, tại khu vực Đình Vũ, nhiều bến cảng đã có sản lượng vượt công suất thiết kế.
Tăng cường làm thủ tục online để khởi công sớm các dự án
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tường Anh, TGĐ Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết, hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án hai bến số 3, 4 Cảng Lạch Huyện đã được hoàn tất. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc triển khai các thủ tục gặp rất nhiều khó khăn.
“Đơn cử, đối với việc xin giao khu vực biển, bên cạnh các thủ tục thực hiện tại Bộ Tài nguyên – Môi trường, đơn vị cần xin ý kiến của một số Bộ như: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao. Song, hiện nay TP Hà Nội đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên các bộ phận chủ yếu làm việc online, chưa thể tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia”, ông Tường Anh thông tin.
Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Hải Phòng, để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đơn vị đã tăng cường làm việc, trao đổi online.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai các hạng mục chính của dự án theo hình thức hợp đồng thiết kế – thi công (hợp đồng EC), rút ngắn thời gian chuẩn bị.
“Để dự án có thể khởi công cuối năm 2021, Công ty CP Cảng Hải Phòng đề nghị UBND TP Hải Phòng và Bộ Tài nguyên – Môi trường đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao khu vực biển để tiến hành rà phá bom mìn trước khi chính thức khởi công xây dựng”, ông Tường Anh thông tin.
Liên quan đến dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu, theo đại diện Ban QLDA Hàng hải, giai đoạn 1 dự án được đưa vào sử dụng tháng 4/2017 đã bước đầu phát huy hiệu quả, hình thành nhiều tuyến hàng hải trực tiếp từ các cảng thượng nguồn sông Hậu vận tải nông sản, thủy sản, phân bón, than… đi và đến khu vực ĐBSCL.
“Chúng tôi đang triển khai các thủ tục thẩm định, lựa chọn tư vấn thiết kế. Dự kiến, khoảng 2 tháng nữa, giai đoạn 2 dự án sẽ được tổ chức đấu thầu các gói thầu xây lắp và khởi công vào quý IV/2021 với tổng mức đầu tư các hạng mục khoảng hơn 2.200 tỷ đồng”, vị này cho hay.
Đối với việc nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép, lãnh đạo Ban QLDA Hàng hải cho biết, cuối tháng 8/2021, dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư.
Hiện, Ban QLDA đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để lấy cơ sở triển khai các bước tiếp theo như: Lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt dự án, phấn đấu khởi công dự án trong năm 2022.
Hơn 1.400 tỷ đồng nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải
Theo nội dung phê duyệt, dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép sẽ tiến hành đầu tư nâng cấp đoạn luồng từ phao số 0 đến thượng lưu bến cảng CMIT với bề rộng đáy luồng 350m, cao độ đáy -15,5m và vũng quay tàu, phục vụ tàu 160.000 DWT đủ tải (cho phép tránh nhau với tàu đến 50.000 DWT), tàu 120.000 DWT khai thác hai chiều và tàu 200.000 DWT giảm tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.
Đoạn luồng từ thượng lưu CMIT đến thượng lưu bến cảng Tân Cảng Cái Mép (TCIT, TCTT) được đầu tư nâng cấp với bề rộng đáy luồng 310m, cao độ đáy luồng -14m và vũng quay tàu, phục vụ cho tàu 120.000 DWT đủ tải (cho phép tránh nhau với tàu đến 60.000 DWT), tàu 100.000 DWT khai thác hai chiều và tàu 160.000 DWT giảm tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.
Đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng Tân Cảng Cái Mép đến cảng Phước An sẽ được đầu tư nâng cấp cho tàu đến 60.000 DWT đầy tải khai thác một chiều.
Tổng kinh phí thực hiện dự án ước hơn 1.400 tỷ đồng sử dụng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Nguồn: baogiaothong