LTS: Hiện chưa có con số thống kê chính xác nhưng theo ước tính đã có trên dưới 50.000 công nhân, lao động tự do khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương ồ ạt về quê những ngày qua.
Cộng với số lao động đã rời các địa phương này trước đó, dự báo sắp tới khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại, sẽ xuất hiện tình trạng khan hiếm lao động, đặc biệt là dịp cuối năm. Đây là bài toán đang khiến các doanh nghiệp khu vực phía Nam đau đầu.
Báo Giao thông khởi đăng loạt bài “Cảnh báo thiếu lao động khu vực phía Nam” giúp độc giả có góc nhìn rõ nét hơn về vấn đề này.
Hàng ngàn lao động từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về các tỉnh miền Tây trong ngày 1/10. Do đó, dự kiến thời gian tới khu vực này sẽ thiếu lao động trầm trọng. Ảnh: Đặng Đại
Kỳ 1: Hơn 9 vạn việc làm đang chờ người lao động
Tại khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, hiện một số doanh nghiệp (DN) đã hoạt động trở lại. Do chưa DN nào phục hồi sản xuất 100% nên lượng công nhân trước mắt vẫn đảm bảo cho sản xuất.
Tuy nhiên, theo dự báo, những tháng cuối năm khi đơn hàng về nhiều, chắc chắn lực lượng lao động sẽ thiếu hụt nhiều nếu DN không chủ động kế hoạch tuyển dụng.
Chỉ đủ lao động khi sản xuất cầm chừng
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taaekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) cho biết, hiện công ty vẫn đang sản xuất cầm chừng theo tình hình kiểm soát dịch của địa phương.
Tổng số lao động của công ty trước dịch là 35.000 người, còn hiện nay đang sử dụng khoảng 10.000 người.
Từ tháng 7, khi dịch bắt đầu bùng phát, một số công nhân đã xin về quê, công ty đã chủ động cho xe chở về. Đến cuối tháng 9, cũng có một số công nhân về quê tự phát.
“Tuy nhiên, do có những chính sách chăm lo tốt cho lao động nên số lượng công nhân bỏ việc cũng không quá nhiều”, ông Phúc nói và cho biết, do hiện nay công ty vẫn đang sản xuất với 30% công suất nên chưa thiếu lao động. Tuy vậy, trong vài tháng tới, khi sản xuất 100% công suất thì chắn chắn sẽ thiếu.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Trung, Phòng Nhân sự Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn (Khu chế xuất Tân Thuận) cho biết, hiện nay công ty đang vẫn đủ số công nhân để làm việc.
Tuy vậy, có rất nhiều lao động đã về quê nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khi công ty tăng công suất lên đủ 100%.
“Trong các tháng tới, đặc biệt là những tháng gần Tết, đơn hàng xuất khẩu tăng lên, lúc đó nhu cầu lao động cho những công đoạn mà hiện nay chưa cần như đóng gói, vận chuyển… cần nhiều, nên có thể sẽ thiếu”, ông Trung dự báo.
Theo thống kê đăng trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, đến ngày 10/10, đang có hàng trăm DN gửi thông tin đăng ký tuyển lao động với nhu cầu cần khoảng 90.763 đầu công việc.
Ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết từ ngày 1/10, khi thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, đã có 9.200 DN hoạt động trở lại.
Riêng ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, nếu thời gian thực hiện “3 tại chỗ” chỉ có 746/1.412 DN hoạt động với khoảng 70.000/288.000 lao động thì nay đã có 972 DN hoạt động với khoảng 164.000 lao động đang làm việc (đạt 56% số DN hoạt động trở lại).
“Các DN ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tiếp tục hoạt động, thu hút nhiều lao động là tín hiệu đáng mừng, nhưng đến nay mới chỉ có 56% lao động làm việc. Nếu huy động đủ công suất thì có sẽ thiếu lao động ở ngay thời điểm này do lượng công nhân hao hụt”, ông Hải nói.
Lên kế hoạch tuyển lao động cho dài hạn
Trong các tháng tới gần Tết, đơn hàng xuất khẩu tăng, lúc đó nhu cầu lao động chắc chắn sẽ tăng cao
Để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất những tháng cuối năm, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taaekwang Vina cho biết, công ty đang xây dựng kế hoạch để trong tháng 10 bắt đầu đi tuyển dụng tại các địa phương.
Hiện, công ty đang liên hệ với những lao động trước đây về quê từ tháng 7, nếu họ có nhu cầu quay trở lại công ty sẽ cho xe về tận quê để đón. Cùng với đó, công ty sẽ tổ chức tuyển dụng tại các địa phương để có số lượng công nhân đủ phục vụ sản xuất vào đầu tháng 11.
Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam cho biết, trước đây công ty có 56.000 lao động làm việc tại các nhà máy ở TP.HCM.
Hiện nay, công ty đã dần phục hồi sản xuất 30% với khoảng 20.000 lao động. Hiện, vẫn còn rất nhiều công nhân chưa đi làm và đang bám trụ tại thành phố để sẵn sàng đợi gọi là đi làm ngay.
Tuy vậy, theo ông Nghiệp, đến cuối tháng 11 nếu công ty hoạt động 100% công suất, chắc chắn phải tính đến phương án tuyển thêm lao động.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trung (Công ty may Đức Bổn) cũng cho biết, đã có kế hoạch trong tháng tới sẽ tổ chức đi tuyển dụng tại các địa phương.
“Nhưng thực tế tâm lý của người lao động hiện rất khó nắm bắt. Họ đã về quê thì có nhiều lý do để không trở lại. Những tháng tới lại sắp Tết, tâm lý nhiều người cứ chờ “qua Tết rồi tính” sẽ là vấn đề nan giải đối với các DN trong chuyện tuyển lao động”, ông Trung nói.
Theo ông Nguyễn Quang Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, trong quý III/2021, các DN đang cần khoảng hơn 43.600 lao động.
Hiện, trung tâm đang có dữ liệu của khoảng 42.000 người nộp hồ sơ xin việc làm. Vì vậy theo ông Lâm, trước mắt các DN có thể chưa thực sự lo lắng về nguồn lao động, bởi hoạt động sản xuất cũng chưa đạt 100% công suất.
Tuy nhiên về lâu dài, theo ông Lâm, các DN cần chủ động liên hệ với người lao động đã từng làm việc tại công ty đã về quê, nếu họ có nhu cầu quay trở lại, công ty sẽ cho xe về đón và thực hiện các bước kiểm tra y tế phòng dịch theo quy định.
Cũng theo ông Lâm, ngoài các DN tự chủ nguồn lao động, TP.HCM còn có 127 đơn vị giới thiệu việc làm, sẽ là trung gian kết nối cung – cầu. Cùng với đó, là lượng học sinh, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng sắp ra trường cũng là nguồn quan trọng để các DN có thể tuyển để làm việc.
(Còn tiếp)
Trên 60.000 người đã về quê và con số chưa dừng lại
Từ ngày 20/7 – 10/9, Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với các tổ chức, DN đưa gần 30.000 người từ TP.HCM về quê, từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên đến miền Bắc.
Trong đó, nhiều nhất là Phú Yên với 17.000 người, kế đến là Quảng Nam với 3.300 người, Bình Định gần 2.200 người.
Đợt thứ 2 là sau ngày 1/10, lượng người từ TP.HCM tiếp tục về quê cũng rất lớn. Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, trong các ngày 1 – 3/10 có khoảng 30.000 người từ các tỉnh miền Đông Nam bộ đi xe máy theo QL1 về các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, những người làm việc tại TP.HCM là khoảng hơn 8.000 người.
Trong khi đó, lượng người miền Trung, Tây Nguyên, phía Bắc vẫn tiếp tục đi về tự phát. Chỉ riêng trong ngày 8/10, báo cáo của Cục Quản lý đường bộ IV cho thấy, lượng người tự phát về quê qua của ngõ Bình Phước về Tây Nguyên khoảng trên 2.500 người.
Nguồn: baogiaothong