Những quy định phòng dịch thiếu thống nhất giữa các địa phương khiến hoạt động của các thuyền viên khó càng thêm khó.
Những quy định phòng dịch thiếu thống nhất giữa các địa phương khiến hoạt động của các thuyền viên khó càng thêm khó. Chính việc này khiến các doanh nghiệp vận tải biển đau đầu vì bài toán nhân lực.
Quy định mỗi nơi một kiểu
Cuối tháng 11/2021, ông Hoàng Văn Dương, Giám đốc Công ty CP Hàng hải Liên Minh thở phào nhẹ nhõm khi hơn 1 tháng qua, hành trình hồi hương về Hải Phòng của các thuyền viên đã thuận lợi hơn.
Theo ông Dương, khoảng 4 – 5 tháng trước, dịch Covid-19 căng như dây đàn, quy định quản lý người từ ngoại tỉnh vào được các địa phương thực hiện “mỗi nơi một phách”.
Trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 xảy ra, việc đi lại, hồi hương của thuyền viên Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)
Có những tốp thuyền viên của Công ty Liên Minh đã thực hiện cách ly tập trung tại Nha Trang sau khi rời tàu, đến khi về Hải Phòng (nơi cư trú) vẫn tiếp tục phải cách ly tại khách sạn 7 ngày và ở nhà 7 ngày.
Tổng thời gian cách ly của thuyền viên có thời điểm lên tới 35 ngày. Chi phí cách ly (cách ly sau rời tàu và cách ly khi về nơi cư trú) công ty phải chi trả cho mỗi thuyền viên lên tới 70 USD/ngày.
Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, công tác quản lý đi lại theo cấp độ dịch, thuyền viên của đơn vị kết thúc quá trình cách ly tập trung sau rời tàu là có thể về nhà (tại Hải Phòng) tự theo dõi sức khỏe nếu đáp ứng điều kiện về vaccine và đi từ vùng nguy cơ thấp, chi phí phát sinh cho việc cách ly của công ty cũng tiết giảm đáng kể.
Không có được sự thuận lợi như Công ty Liên Minh, nhiều thuyền viên làm việc cho Công ty CP Vận tải biển Vinaship vẫn đang gặp vướng mắc khi rời tàu, hồi hương.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, tháng 10/2021, 20 thuyền viên tàu Mỹ Thịnh của doanh nghiệp mắc Covid-19 đã may mắn được chữa khỏi bệnh ở Quảng Ninh.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19) có thể tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương.
Một số nơi như Hải Phòng hiện nay, người mới được công bố khỏi bệnh theo quy định chưa quá 6 tháng khi về thành phố cũng chỉ phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày kể từ ngày về/đến địa phương, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu âm tính sẽ kết thúc cách ly.
Thế nhưng, trong số 20 thuyền viên kể trên, một số người sau khi về Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định… lại phải tiếp tục cách ly tập trung ở địa phương thêm 7 ngày mới được về nhà.
“Thông thường, thuyền viên chỉ được nghỉ trên bờ khoảng 1 – 2 tháng rồi phải tiếp tục quay lại tàu. Việc phải cách ly tập trung nhiều lần và dài ngày dễ gây tâm lý chán nản, nguy cơ người lao động xin nghỉ việc là khó tránh. Thời gian qua, các chủ tàu quốc tế tăng lương, hút thuyền viên, chủ tàu Việt vốn đã điêu đứng về nguồn lao động, riêng Vinaship đã phải tuyển mới 40% thuyền viên. Nay thủ tục cách ly rườm rà tại một số địa phương có thể khiến các doanh nghiệp tiếp tục đau đầu”, đại diện Công ty Vinaship than.
Trong khi đó, trăn trở hiện tại của hàng trăm thuyền viên làm việc trên tàu nội địa tuyến TP.HCM – Hải Phòng là việc chưa được đi bờ.
Theo một lãnh đạo Hiệp hội Chủ tàu VN (VSA), thời điểm hiện tại, các hội viên của VSA đang có 22 chuyến tàu với khoảng 440 thuyền viên (trong đó 70% trong số đó ở Hải Phòng) trên chặng TP.HCM – Hải Phòng.
“Mặc dù thuyền viên hoạt động nội địa, chạy chuyên tuyến và hai đầu đi/đến đều đang là vùng nguy cơ nhiễm dịch thấp và đều đã được tiêm 2 mũi vaccine song khoảng một năm rưỡi qua, toàn bộ thuyền viên đều không được đi bờ. Có những người về đến Hải Phòng, nhà chỉ cách 2 – 3km muốn tranh thủ ghé nhà thăm vợ con cũng không thể. Ai nấy đều tâm tư”, vị này nói.
Nên giảm thời gian cách ly
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần nới lỏng hơn việc đi lại cho thuyền viên nội địa theo phân cấp vùng dịch như đang áp dụng với những người trên bờ.
Trường hợp thuyền viên đã tiêm đủ mũi vaccine, xuất phát từ vùng xanh và có giấy xét nghiệm Covid-19 theo quy định thì cần cấp phép cho đi bờ để người lao động giải tỏa tâm lý, không bị áp lực khi phải “giam mình” trên không gian hạn chế của tàu biển.
Giám đốc Công ty Liên Minh Hoàng Văn Dương thì mong muốn, thời gian tới, các cấp chức năng sẽ xem xét điều chỉnh thời gian cách ly đối với thuyền viên.
“Sở dĩ thời gian cách ly trên bờ có thể nghiên cứu điều chỉnh do nghề đi biển có tính đặc thù. Ví dụ một tàu chạy từ châu Mỹ về Việt Nam đã độc lập chạy trên biển gần 30 ngày, không tiếp xúc với ai. Thời gian này chẳng khác nào việc tự cách ly. Khi về Việt Nam, nếu thuyền viên được xét nghiệm âm tính thì thời gian cách ly tại điểm cách ly tập trung (sau khi rời tàu) cần rút ngắn hơn, tạo điều kiện cho thuyền viên có nhiều thời gian đoàn tụ với gia đình, đảm bảo tâm lý tốt nhất khi trở lại tàu”, ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, quá trình hành hải, thuyền trưởng phải chấp hành tuyệt đối việc khai báo lộ trình di chuyển với cơ quan quản lý hàng hải.
Chuyện tàu “tạt té” dọc hành trình, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như không thể xảy ra vì hoạt động của phương tiện trên vùng biển còn liên quan đến an toàn, an ninh quốc tế. Tàu biển cũng có trang thiết bị theo dõi hành trình qua hệ thống vệ tinh.
“Các cấp chức năng hoàn toàn có đủ cơ sở nghiên cứu giảm thời gian cách ly trên bờ đối với thuyền viên đã trải qua một chặng đường dài trên biển và không nhiễm Covid-19 khi về đến Việt Nam”, ông Dương tái khẳng định.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, đối với vướng mắc quy định cách ly ở địa phương hiện nay, các chủ tàu cần phản ảnh rõ những tỉnh, thành đang áp dụng.
Trên cơ sở đó, Cục sẽ chỉ đạo các cảng vụ khu vực tìm hiểu quy trình cách ly, quản lý thuyền viên ở địa phương và cùng chủ tàu đề xuất hướng giải quyết phù hợp.
“Về khó khăn đi bờ của thuyền viên chuyên tuyến TP.HCM – Hải Phòng, quan điểm của Cục Hàng hải là khi dịch bệnh tại các địa phương đã được kiểm soát, chính sách đi lại, giao thương đường biển, đường thủy phải như đường bộ. Nếu thuyền viên đáp ứng đầy đủ kê khai y tế, tiêm vaccine đủ mũi và có giấy xét nghiệm Covid-19, tàu không có tiền sử ghé cảng nước ngoài thì vẫn có thể đi bờ”, ông Giang nói và cho biết, sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng rà soát và kiến nghị tháo gỡ khó khăn này cho thuyền viên trong thời gian sớm nhất.
Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thuyền viên hồi hương/thay thế mới xuống tàu, bảo đảm duy trì thông suốt chuỗi cung ứng vận tải trong tình hình mới, trong tháng 11/2021, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã ký văn bản đề nghị Bộ Y tế thống nhất quy trình cách ly cho thuyền viên tính từ ngày rời cảng cuối cùng.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương bố trí cho thuyền viên hết hạn hợp đồng lao động được cách ly ở địa điểm hợp lý với chi phí phù hợp để giảm thời gian cách ly, chi phí, áp lực cho thuyền viên khi về nước.
Bộ GTVT cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe theo đúng văn bản của Bộ Y tế về triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Nguồn: baogiaothong